Theo bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), PTSD là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất liên quan đến sang chấn tâm lí. Đây không chỉ là phản ứng cảm xúc thông thường trước một biến cố dữ dội, mà là sự thay đổi mang tính bệnh lí trong hoạt động của não bộ.
“PTSD là rối loạn lo âu thuộc nhóm phản ứng stress nghiêm trọng, xuất hiện sau khi một người trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đe dọa tính mạng, hoặc gây tổn thương tâm lí sâu sắc. Khác với cảm giác bị sốc thông thường, PTSD làm rối loạn chức năng não bộ kéo dài và cần đến sự can thiệp y tế chuyên sâu”, bác sĩ lí giải.
Các yếu tố gây chấn thương tâm lí dẫn đến PTSD rất đa dạng, từ chiến tranh, tai nạn nghiêm trọng, bạo lực thể chất hoặc tình dục, cho tới việc chứng kiến cái chết thương tâm, thậm chí cả thiên tai. Tổn thương tâm lí càng sâu, nguy cơ phát triển thành PTSD càng cao.
Dù vậy, tại Việt Nam, nhiều người vẫn cho rằng “cố quên đi” là đủ, hoặc ngại thừa nhận mình gặp vấn đề sức khỏe tâm thần vì sợ bị kì thị. Theo thống kê, khoảng 7-9% người trưởng thành ở nước ta có nguy cơ mắc PTSD trong suốt cuộc đời. Trong khi đó, phần lớn vẫn chưa từng được sàng lọc hay tiếp cận với các phương pháp điều trị phù hợp.
“PTSD không chừa một ai”, bác sĩ Vân Anh nhấn mạnh. “Nhưng một số nhóm có nguy cơ cao hơn rõ rệt. Cựu chiến binh có tỉ lệ mắc từ 15 - 30%. Ở nạn nhân bị bạo lực tình dục, con số này lên tới trên 45%. Trẻ em bị bạo hành hoặc bỏ rơi có tỉ lệ dao động từ 20 đến 50%. Đáng chú ý, sau đại dịch COVID-19, ước tính khoảng 15% nhân viên y tế tuyến đầu xuất hiện triệu chứng của PTSD”.
![]() |
Hội chứng rối loạn stress sau sang chấn ảnh hưởng đến tâm lí người bệnh. |
Đáng lo ngại là nhiều người không hề biết mình đang mắc bệnh. Các triệu chứng của PTSD có thể âm thầm nhưng dai dẳng. Người bệnh thường xuyên gặp ác mộng, hoặc có những hồi tưởng sống động như thể đang “trở lại” thời điểm sang chấn (hiện tượng flashback). Họ tìm cách tránh né những nơi chốn, con người hay hoạt động gợi nhắc đến kí ức đau buồn, dần dần thu mình và mất kết nối với cảm xúc. Một số người lại rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ, mất ngủ triền miên, dễ cáu gắt hoặc giật mình quá mức.
Theo bác sĩ Vân Anh, nguyên nhân hình thành PTSD không đơn thuần đến từ cú sốc tâm lí, mà là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa sinh học, tâm lí và xã hội. Cấu trúc não bộ, đặc biệt là vùng hạch hạnh nhân, nơi xử lí nỗi sợ có thể bị rối loạn. Người từng bị sang chấn từ nhỏ, thiếu kĩ năng ứng phó, hoặc sống trong môi trường không có sự hỗ trợ xã hội dễ bị tổn thương hơn. Trong khi đó, kì thị đối với bệnh tâm thần lại khiến họ ít có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.
Can thiệp sớm – chìa khóa thành công
Tin tốt là PTSD hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị nếu được can thiệp đúng lúc. Can thiệp sớm chính là “chìa khóa” để không cho bệnh tiến triển thành mạn tính.
Theo các chuyên gia, dự phòng PTSD cần thực hiện trên ba cấp độ. Trước khi sang chấn xảy ra, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như bộ đội, nhân viên y tế nên được trang bị kĩ năng quản lí stress và xây dựng hệ thống hỗ trợ xã hội vững chắc. Trong vòng 1 đến 3 tháng sau sang chấn, việc tầm soát bằng các công cụ chuẩn quốc tế như PCL-5 hay CAPS-5, kết hợp với các buổi trị liệu nhóm, có thể phát hiện sớm những trường hợp có biểu hiện khởi phát. Còn khi bệnh đã được chẩn đoán, người bệnh cần tiếp cận các liệu pháp điều trị chuyên sâu như liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) hoặc EMDR (giải mẫn cảm và tái xử lí bằng chuyển động mắt). Trong một số trường hợp, thuốc điều trị và các hoạt động phục hồi chức năng xã hội cũng được chỉ định bổ sung.
“Đừng im lặng chịu đựng. Tìm kiếm sự giúp đỡ là bước đầu tiên để người bệnh lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình”, bác sĩ Vân Anh nhắn nhủ. Theo bác sĩ này, nếu được điều trị đúng phương pháp trong năm đầu tiên sau sang chấn, có tới 90% bệnh nhân PTSD có thể cải thiện đáng kể tình trạng của mình.
PTSD là một căn bệnh thực sự, không phải là sự yếu đuối hay "làm quá". Và như mọi bệnh lí khác, nó có thể được chữa lành nếu người bệnh và cộng đồng cùng phá bỏ định kiến, chủ động thấu hiểu và can thiệp đúng lúc.