Khớp gối là một trong những khớp lớn nhất, chịu trách nhiệm nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể, duy trì sự cân bằng và linh hoạt khi chuyển động, đáp ứng các nhu cầu vận động. Khớp gối phải hoạt động liên tục nên dễ bị chấn thương, bào mòn theo thời gian, dẫn đến nhiều bệnh lý như thoái hóa khớp, đứt dây chằng, rách sụn chêm... ThS.BS.CKI Trương Hữu Bảo, Trưởng Đơn vị Chấn thương Chỉnh hình, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết nếu không được điều trị kịp thời, các tình trạng này có thể gây đau nhiều, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể phải phẫu thuật thay khớp nhân tạo.
Bác sĩ Bảo lưu ý một số thay đổi nhỏ trong lối sống có thể bảo vệ khớp gối.
Tập thể dục ở cường độ vừa phải: Vận động thường xuyên kích thích khớp tự sản sinh chất nhờn, từ đó giảm ma sát giữa các bề mặt khớp, bảo vệ và tăng cường tuổi thọ sụn khớp. Các bài tập kéo giãn cơ bắp chân, đùi và hông... giúp tăng cường sức mạnh của các cơ quanh khớp, giảm căng thẳng cho khớp gối. Tập thể dục còn có tác dụng duy trì cân nặng lành mạnh, giảm áp lực lên khớp gối.
Sinh hoạt đúng tư thế: Giữ đầu gối thẳng khi đứng hoặc ngồi, hạn chế ngồi xổm hoặc quỳ lên gối. Nếu phải đứng lâu, hãy thay đổi tư thế hoặc di chuyển nhẹ nhàng.
Mang giày thoải mái: Giày có đệm phù hợp và vừa vặn hỗ trợ vòm bàn chân, giảm áp lực lên khớp gối khi di chuyển, nhất là khi đi bộ, chạy hoặc đứng lâu. Hạn chế mang giày cao gót thường xuyên vì làm tăng sức ép lên đầu gối và gót chân. Tình trạng này kéo dài bào mòn khớp gối và có thể tổn thương sụn khớp, gây viêm khớp.
Dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe xương khớp như canxi, vitamin D và collagen. Những dưỡng chất này có trong sữa, cá hồi, trứng, rau xanh...
Tránh chấn thương hoặc va chạm trực tiếp lên khớp gối bằng cách vận động ở cường độ hợp lý, sử dụng dụng cụ bảo hộ đầy đủ.

Bác sĩ Bảo kiểm tra tình trạng chức năng khớp gối người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Bác sĩ Bảo lưu ý suy giảm chất lượng khớp gối là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đi khám nếu có dấu hiệu đau, khó chịu ở khớp gối, giúp phát hiện bệnh sớm và kịp thời, tránh nguy cơ bệnh tiến triển thành biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp tổn thương nghiêm trọng, có chỉ định phẫu thuật, người bệnh nên sớm điều trị để tránh nguy cơ tàn phế, khôi phục khả năng sinh hoạt thường ngày. Với công nghệ hiện nay, người bệnh có thể tập đi lại sớm sau phẫu thuật khớp gối, xuất viện sau 3-4 ngày.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |