Kỹ năng sống

Cách Bình Dương giúp những người mãn hạn tù làm lại cuộc đời

Anh Trần ngụ ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, từng chịu án phạt 7 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Thời gian đầu mới mãn hạn tù trở về quê nhà, anh cũng mông lung về tương lai, lo sợ mọi người xa lánh.

Tuy nhiên, với mô hình "Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hoá giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư" do UBND xã Tân Định triển khai, anh được các thành viên trong nhóm động viên, hỗ trợ. Dần dần anh bỏ qua mặc cảm, tái hoà nhập cộng đồng quyết tâm làm lại cuộc đời của chính mình.

Anh chọn nghề lái xe để kiếm sống. Sau một thời gian kinh doanh, anh được các cấp hỗ trợ vay vốn. Sau vài năm chăm chỉ làm ăn, đến nay anh Trần đã là chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên mua bán củi cao su, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương. Anh cũng đăng ký tham gia làm thành viên của mô hình hỗ trợ người phạm tội. Doanh nghiệp của anh từng nhận hai lao động mãn hạn tù để họ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

Bà Vũ Thị Kim Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên chia sẻ, ngay khi tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù trở về UBND chỉ đạo các ban ngành đoàn thể ở địa phương quan tâm nhanh chóng hỗ trợ các thủ tục pháp lý, hướng dẫn, giới thiệu việc làm.

"Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp cùng gia đình những người chấp hành án trở về động viên, chia sẻ để xóa bỏ đi những mặc cảm, từ đó giúp họ có thể nhanh chóng tái hòa nhập", bà Phượng nói.

Một buổi giao lưu giữa đoàn viên thanh niên và các phạm nhân. Ảnh: Yên Khánh

Một buổi giao lưu giữa đoàn viên thanh niên, công an cơ sở và các phạm nhân. Ảnh: Yên Khánh

Cách huyện Bắc Tân Uyên chừng 50 km, anh Nguyễn, ngụ xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng từng chấp hành bản án 16 năm tù. Nhận thức về lỗi lầm trong quá khứ, trong suốt quá trình chấp hành án phạt tù, anh đã thành tâm ăn năn hối cải và thực hiện tốt các quy định của trại giam. Nhờ có ý thức cải tạo tốt, được sự khoan hồng, sau khi chấp hành án được 9 năm 6 tháng anh được giảm án, đặc xá trở về địa phương.

Tại địa phương, các thành viên trong mô hình "3+1" của xã Minh Hòa (ba thành viên thuộc các hội, đoàn thể tham gia quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ một người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương) tận tình giúp đỡ, hỗ trợ, động viên tinh thần và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với anh.

Ông Trương Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng cho biết, khi giúp đỡ được một người tái hòa nhập cộng đồng sẽ giảm được một trường hợp phát sinh tội phạm, từ đó sẽ góp phần bảo đảm được tình hình an ninh trật tự ở địa phương được tốt hơn.

Tương tự, mô hình "6+1" của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Đông Hòa, TP Dĩ An cũng phát huy hiệu quả đối với những người lầm lỡ trở về với cuộc sống đời thường.

Điển hình là trường hợp của anh Lê, sau khi chấp hành án trở về địa phương anh đi làm thợ hồ. Thấy hoàn cảnh gia đình anh còn khó khăn, có thể tái phạm bất cứ lúc nào nên Ban chủ nhiệm mô hình 6+1 phường Đông Hoà đã vận động, hỗ trợ xe máy để anh Lê có thể thuận lợi hơn trong công việc.

Ông Phạm Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam kiêm Chủ nhiệm mô hình 6+1 phường Đông Hoà cho biết, khi ổn định cuộc sống bằng việc làm, có thu nhập ổn định hàng tháng thì họ mới có thể chăm lo tốt cho bản thân và gia đình. "Ban chủ nhiệm luôn thăm hỏi, động viên từ đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ những khó khăn với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương", ông Hiếu cho biết.

Năm 2024, Ban Chủ nhiệm mô hình 6+1 phường Đông Hoà còn tổ chức, phân công giúp đỡ 15 người chấp hành xong án phạt tù tại các khu phố.

Anh Lê được Ban chủ nhiệm mô hình 6+1 tặng xe máy đi làm. Ảnh: Yên Khánh

Anh Lê được Ban chủ nhiệm mô hình 6+1 tặng xe máy đi làm. Ảnh: Yên Khánh

Theo Công an tỉnh Bình Dương, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận hơn 5.500 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương đều được hướng dẫn làm, cấp căn cước công dân là 4.468 người; hướng dẫn, tư vấn làm thủ tục xóa án tích cho 1.051 người chấp hành xong án phạt tù; làm thủ tục đăng ký cư trú cho 1.088 người. Hiện nay, số người chấp hành xong án phạt tù chưa được xóa án tích đang quản lý 978 người, từ đó góp phần hạn chế số người tái phạm tội.

Trung tá Phạm Thị Thúy Hiền, Phó Giám thị trại Tạm giam Công an tỉnh Bình Dương cho hay ngay từ quá trình quản lý, cải tạo phạm nhân trong cơ sở tạm giam, tạm giữ, giám thị, cán bộ quản giáo Trại tạm giam thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt lồng ghép giáo dục pháp luật.

Cán bộ quản giáo kịp thời gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết như: thủ tục đăng ký cư trú, cấp căn cước và hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý khác... đối với nhóm được đặc xá, tha tù trước thời hạn, nhằm giúp những người này nhanh chóng ổn định cuộc sống khi trở về địa phương.

Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân. Họ đều phối hợp với gia đình, người thân của người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tạo môi trường xã hội lành mạnh, xóa bỏ mặc cảm, tự ti giúp họ tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

"Bản thân người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng cũng có ý thức vượt khó, vươn lên. Từ đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và các vấn đề xã hội khác ở địa phương, giảm tỷ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật", đại tá Điệp nói.

* Tên nhân vật đã thay đổi

Cùng chuyên mục

Đọc thêm