Dinh dưỡng

Các nguyên tắc giữ an toàn trước chó dữ

Tóm tắt:
  • Không vào nhà có chó khi chủ vắng mặt và không trêu chọc chó để tránh bị tấn công.
  • Khi trẻ em chơi với chó, phụ huynh cần giám sát để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm.
  • Nếu thấy chó sắp tấn công, đứng im và tránh bỏ chạy để không kích thích bản năng săn mồi của chó.
  • Khi bị chó cắn, rửa vết thương ngay bằng xà phòng và nước, rồi điều trị kịp thời.
  • Tiêm vaccine dại sau khi bị chó cắn là biện pháp phòng ngừa bệnh dại hiệu quả.

Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa Vùng 1 - Hồ Chí Minh, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo như trên khi những ngày qua, nhiều địa phương và bệnh viện nước ta liên tục ghi nhận trường hợp bị chó tấn công gây đa chấn thương, nguy cơ cao nhiễm virus dại. Hiện thời tiết cả nước sẽ chuyển mùa nắng nóng trong những tháng tới, chó tấn công người và bệnh dại có xu hướng gia tăng. Bác sĩ nêu các cách dưới đây để tránh bị chó tấn công và cắn hoặc nhiễm bệnh dại từ chó:

Thận trọng khi đến nhà có chó

Chó là loài có bản năng bảo vệ chủ và lãnh thổ. Người có hành vi xâm nhập lãnh thổ có thể bị chúng xem là kẻ thù và tấn công, đặc biệt là các loài chó hung dữ như Pitpull, Bulldog, Rottweiler... Như vừa qua, người phụ nữ 41 tuổi (ở Đồng Nai) vào sân nhà hàng xóm để cho bò ăn cỏ bị một con chó Pitbull tấn công 30 phút gây ra nhiều vết thương nghiêm trọng.

Vì vậy, cách tốt nhất là mọi người nên tìm hiểu nhà mình đến có nuôi chó không, không nên tự ý vào nhà khi chủ vắng mặt. Mặt khác, khi vào nhà, mọi người không nên tiếp xúc một mình với chó mà không có sự giám sát của gia chủ, đặc biệt là trẻ em.

Chó là động vật có tập tính săn mồi và tập quán canh giữ nhà giúp chủ. Ảnh: Vecteezy

Chó là động vật có tập tính săn mồi và tập quán canh giữ nhà giúp chủ. Ảnh: Vecteezy

Không trêu chọc, để trẻ em chơi với chó một mình

Trẻ em chưa ý thức được nguy hiểm thường trêu chọc, cưng nựng chó nên dễ bị chúng cắn. Hơn nữa, cơ thể trẻ thấp bé sẽ có nguy cơ bị cắn vào vùng đầu, mặt, cổ nguy hiểm. Phụ huynh nên quan sát khi con chơi với chó và nhắc nhở con không có hành vi trêu đùa như kéo, nắm đuôi, lại gần con vật khi nó đang ăn, ngủ hoặc khi chó mẹ đang cho con bú, không nhìn thẳng vào mắt chó.

Không chạy khi thấy chó sắp tấn công

Theo bác sĩ Tấn, chó có thói quen ngửi mùi, gầm gừ khi có người lại gần. Cách này giúp chúng phân biệt người lạ và canh giữ nhà giúp chủ. Tuy nhiên, nhiều người hoảng sợ, hoặc bỏ chạy khi chó lại gần. Điều này kích thích tập tính săn mồi của con vật và khơi dậy bản năng giữ nhà, khiến chó tấn công người.

Để giảm việc bị cắn, mọi người nên đứng hoặc ngồi im tại chỗ, tay duỗi thẳng cho chó ngửi, nếu thấy an toàn chúng sẽ bỏ đi. Trường hợp vẫn bị con vật lao tới tấn công, bạn phải thật bình tĩnh, không được hoảng loạn, quan sát xung quanh để tìm vật dụng hoặc người hỗ trợ.

Bạn cố gắng che đầu và cổ, dùng sức đạp vào cổ chó, la lớn kiếm tìm sự giúp đỡ. Bạn cũng không nên nhìn vào mắt chó, đánh lạc hướng con vật bằng cách ném đồ ăn, đồ chơi, chai lọ... ra xa để cho chúng đuổi theo, sau đó di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm càng nhanh càng tốt.

Khách tiêm vaccine dại tại VNVC. Ảnh: Mộc Miên

Khách tiêm vaccine dại tại VNVC. Ảnh: Mộc Miên

Xử lý vết thương đúng cách

Khi bị chó cắn, liếm vào vết thương hở, mọi người cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy trong ít nhất 15 phút. Nếu không có sẵn xà phòng, có thể thay thế bằng dầu gội đầu, sữa tắm sau đó sát trùng bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn i-ốt, povidine. Trường hợp vết thương sâu, có dị vật, mọi người cần đến cơ sở y tế để xử lý, tránh băng kín vết thương vì có thể cản trở việc phong bế bằng huyết thanh kháng dại.

Trẻ em thường có thói quen giấu không cho cha mẹ biết đã bị chó cắn. Do đó, phụ huynh cần nhẹ nhàng tìm hiểu các vết thương của con để xử lý và đưa con tiêm chủng kịp thời.

Theo bác sĩ Tấn, hiện dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Một người khi lên cơn dại gần 100% tử vong. Cách phòng dại hiệu quả là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn. Vaccine có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch và tạo ra các kháng thể nhận diện virus và tiêu diệt chúng, bảo vệ cơ thể.

Hiện Việt Nam có hai loại vaccine dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Phác đồ tiêm gồm 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28.

Người chưa bị cào, cắn hoặc có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh dại như bác sĩ thú y, nhân viên vườn thú, làm việc tại cơ sở chăm sóc thú cưng... nên tiêm vaccine để dự phòng. Phác đồ gồm ba mũi vaccine vào ngày 0, 7, 21 hoặc 28.

Người đã tiêm đủ phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm hoặc đã tiêm đủ liều ở lần bị cắn trước đó, chỉ cần tiêm thêm hai mũi vaccine và không cần tiêm huyết thanh dù có vết thương nặng khi bị cào, cắn.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự: Yếu tố ‘người nổi tiếng’ là tình tiết tăng

Vụ án kẹo Kera gây chấn động dư luận khi Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs bị khởi tố, còn Hoa hậu Thùy Tiên bị tạm hoãn xuất cảnh để điều tra. Qua vụ án này cũng là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm pháp lý và đạo đức của người nổi tiếng, KOLS khi tham gia quảng cáo trong thời đại truyền thông số.