Tài chính

Các ngân hàng trên sàn sở hữu hơn 400.000 tỷ đồng có thể dùng để trả cổ tức: Vietcombank chiếm gần 1/4, LPBank tăng mạnh nhất

Các ngân hàng trên sàn sở hữu hơn 400.000 tỷ đồng có thể dùng để trả cổ tức: Vietcombank chiếm gần 1/4, LPBank tăng mạnh nhất- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, tổng lợi nhuận chưa phân phối của 27 ngân hàng trên thị trường chứng khoán tính đến cuối tháng 9 đạt gần 456.803 tỷ đồng, tăng hơn 99.245 tỷ đồng, tương đương 28% so với cuối năm 2023. Trong đó, phần lớn ngân hàng đều ghi nhận sự gia tăng về quy mô lợi nhuận chưa phân phối trong 9 tháng đầu năm 2024.

Khấu trừ lợi nhuận thuộc về các công ty con, tổng số tiền mà các ngân hàng có thể sử dụng để trả cổ tức cho cổ đông đến cuối tháng 9 ước đạt trên 400.000 tỷ đồng.

Vietcombank hiện đang là ngân hàng có quỹ lợi nhuận chưa phân phối lớn nhất hệ thống với 102.068 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2024, tăng 25.310 tỷ đồng so với cuối năm 2023 và chiếm gần 1/4 tổng lợi nhuận chưa phân phối của 27 ngân hàng trên sàn.

Vietcombank cũng là ngân hàng có mức tăng lợi nhuận chưa phân phối mạnh nhất hệ thống khi dẫn đầu về lợi nhuận toàn ngành trong 9 tháng đầu năm và chưa thực hiện chia cổ tức trong năm 2024.

Thực tế, sau đợt phát hành gần 857 triệu cổ phiếu vào tháng 8/2023 để trả cổ tức còn lại của năm 2019 và 2020, Vietcombank hiện vẫn chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào trong năm 2024 dù đang triển khai thực hiện cùng lúc nhiều kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối các năm trước.

Trong bối cảnh các kế hoạch tăng vốn phải chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quỹ lợi nhuận chưa phân phối của Vietcombank liên tục mở rộng qua các năm nhưng bị các NHTMCP lớn như VPBank và Techcombank bỏ xa về vốn điều lệ

Dự kiến ngày 30/11/2024, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có quyết định về: Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Nếu được Quốc hội thông qua, Vietcombank có thể sớm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng (gồm cả vốn của Nhà nước và cổ đông khác), tương ứng với tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng – đứng đầu hệ thống ngân hàng, đồng thời khiến kho lợi nhuận chưa phân phối giảm xuống.

Đứng thứ hai về quy mô lợi nhuận chưa phân phối là VietinBank với 57.472 tỷ đồng, tăng hơn 15.100 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Cũng giống Vietcombank, dù sở hữu lợi nhuận cao hàng đầu hệ thống song việc phân phối lợi nhuận của VietinBank gặp nhiều khó khăn do cần được nhiều cấp phê duyệt.

Lần chia cổ tức gần nhất của "ông lớn" này là vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả là lợi nhuận còn lại của năm 2020, giúp vốn điều lệ tăng lên 53.700 tỷ đồng.

Ở đại hội cổ đông vừa qua, Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.

Nếu được chấp thuận và thực hiện xong hai kế hoạch nêu trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên trên 77.700 tỷ đồng, đồng thời kho lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng này sẽ giảm mạnh so với hiện tại.

Đứng thứ ba về quy mô lợi nhuận giữ lại là Techcombank với 51.069 tỷ đồng tại ngày 30/09/2024, chỉ tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Techcombank là ngân hàng có quy mô lợi nhuận đứng thứ hai toàn hệ thống và dẫn đầu nhóm ngân hàng tư nhân. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng liên tục giữ lại toàn bộ lợi nhuận kể từ khi lên sàn chứng khoán và chỉ mới bắt đầu trả cổ tức tiền mặt từ năm 2024. Điều này giúp cho "kho" lợi nhuận chưa phân phối của Techcombank đã tăng mạnh trong các năm trước.

Trong năm 2024, ngân hàng này đã có sự thay đổi lớn về chính sách chi trả cổ tức. Theo đó, sau 10 năm tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư hoạt động kinh doanh và không chia cổ tức, năm 2024, Techcombank đã triển khai kế hoạch trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 15%. Đồng thời, ngân hàng cũng tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100%, tăng vốn điều lệ lên cao thứ hai hệ thống.

Các ngân hàng trên sàn sở hữu hơn 400.000 tỷ đồng có thể dùng để trả cổ tức: Vietcombank chiếm gần 1/4, LPBank tăng mạnh nhất- Ảnh 2.

Là ngân hàng có lợi nhuận chưa phân phối tăng mạnh nhất trong nhóm Big3, BIDV hiện có gần 45.500 tỷ đồng có thể dùng để trả cổ tức. Tương tự Vietcombank và VietinBank, hoạt động tăng vốn của BIDV cũng gặp nhiều khó khăn do cần nhiều bước phê duyệt.

Lần chia cổ tức gần nhất của ngân hàng này diễn ra vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế và trích lập các quỹ năm 2021. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, BIDV đã thông qua phương án phát hành thêm gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 21% số cổ phiếu đang lưu hành vào cuối năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 - 2025.

Nếu được các cơ quan có thẩm quyền thông qua, BIDV sẽ được phép sử dụng một phần kho lợi nhuận chưa phân phối để trả cổ tức, tăng vốn.

Tính đến cuối quý 3, lợi nhuận chưa phân phối của MB đạt 34.477 tỷ đồng, tăng 35% so với mức 25.560 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Trong năm 2024, MB đã chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt trên đạt trên 16.000 tỷ đồng, giúp cho "kho" lợi nhuận chưa phân phối của MB tiếp tục mở rộng.

Ngoài các ngân hàng nêu trên, TOP10 ngân hàng có lợi nhuận chưa phân phối lớn nhất sàn chứng khoán còn có sự góp mặt của những cái tên quen thuộc như: Sacombank (24.830 tỷ đồng), ACB (22.421 tỷ đồng), VPBank (22.285 tỷ đồng) và HDBank (15.735 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có lợi nhuận chưa phân phối thấp nhất hệ thống hiện nay là SaigonBank (383 tỷ đồng), BVBank (212 tỷ đồng). Trong khi NCB lỗ lũy kế hơn 694 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chưa phân phối thì LPBank (+135%), Eximbank (88%) và SHB (+61%) là những nhà băng có tốc độ tăng nhanh nhất trong 9 tháng đầu năm. Trong khi đó, BVBank (-63%), PGBank (-61%) và Saigonbank (-38%) là những ngân hàng có lợi nhuận chưa phân phối sụt giảm mạnh nhất.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm