Doanh nghiệp

Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Dược và Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe năm 2024

Các Hiệp hội ngành, nghề Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Dược và Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe năm 2024 Thanh Thanh • 23/11/2024 10:35

Ngày 22/11/2024, Công ty Cổ phần (CTCP) Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Dược và Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe năm 2024 cùng với kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong ngành.

Theo đó, Top 10 Công ty Sản xuất dược phẩm uy tín năm 2024 gồm: CTCP Dược Hậu Giang; CTCP Traphaco; CTCP Dược phẩm Imexpharm; CTCP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định; Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm; CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco; CTCP Dược phẩm TV.Pharm; CTCP Dược phẩm OPC; CTCP Dược phẩm Hà Tây; Công ty TNHH Rohto - Mentholatum (Việt Nam).

Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Dược và Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe năm 2024- Ảnh 1.

Top 10 Công ty Phân phối dược phẩm uy tín năm 2024 gồng: CTCP Vacxin Việt Nam; Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP; Công ty CP Dược phẩm TW CPC1; Công ty TNHH Dược phẩm Khương Duy; CTCP Dược Phẩm FPT Long Châu; CTCP Dược liệu TW 2; CTCP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội, Công ty CP Dược phẩm Việt Hà; Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn; CTCP Dược phẩm Thái Minh.

Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Dược và Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe năm 2024- Ảnh 2.

Top 10 Công ty Thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe uy tín năm 2024 gồm: Công ty TNHH B.Braun Việt Nam; Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương; Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm; Công ty TNHH Medicon; Công ty TNHH Medtronic Việt Nam; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phát triển Đông Dương; CTCP Nhà Máy Trang Thiết bị y tế USM Healthcare; Công ty TNHH ICT Vina; CTCP Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng; CTCP Meditronic.

Top 5 Công ty Đông dược uy tín năm 2024 gồm: CTCP Traphaco; CTCP Dược phẩm OPC; CTCP Nam Dược; Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh; CTCP Dược phẩm Nam Hà.

Trong lĩnh vực Thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, 5 công ty uy tín nhất năm 2024 được xướng tên là: Công ty TNHH B.Braun Việt Nam; Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương; Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm; Công ty TNHH Medicon.

Theo khảo sát của Vietnam Report, sau năm 2023 khởi sắc, đà tăng của ngành Dược và Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe chậm lại trong 10 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là ở quý I và II. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp chứng kiến kỳ kinh doanh đi lùi so với mức nền cao của năm trước ghi nhận sự gia tăng.

Bức tranh doanh thu không biến động quá mạnh so với cùng kỳ năm 2023 song tỷ lệ doanh nghiệp sụt giảm về lợi nhuận lại tăng lên đáng kể (từ 21,1% lên 37,5%). Biến động giá nguyên liệu đầu vào, sức mua sụt giảm do bị giới hạn bởi xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân, một số sản phẩm hỗ trợ chống dịch chậm luân chuyển và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến thị trường nói chung có phần kém thuận lợi hơn trong những tháng đầu năm nay.

Mặc dù vẫn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ chứng kiến bức tranh khả quan hơn của các doanh nghiệp trong ngành. Nền kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển sang pha phục hồi với sự cải thiện rõ rệt ở nhiều chỉ số sẽ là nền tảng vững chắc hỗ trợ cho động lực tăng trưởng của ngành.

Ngoài ra, theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, quý IV thường là quý có hoạt động kinh doanh sôi động nhất trong năm, đặc biệt, đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhu cầu đối với các sản phẩm thường gia tăng do thời tiết giao mùa và một số dịch bệnh thường phát sinh vào giai đoạn này như dịch sốt xuất huyết, siêu vi, cảm cúm…

Sự lạc quan cũng được duy trì trong góc nhìn của doanh nghiệp về triển vọng năm 2025. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 66,6% số doanh nghiệp đặt niềm tin vào sự phát triển của thị trường, chỉ 13,4% dự đoán sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn, trong khi 20,0% giữ quan điểm rằng thị trường sẽ duy trì trạng thái ổn định, không có nhiều biến động so với năm 2024.

Kênh phân phối thuốc ở các bệnh viện (ETC) vốn chiếm ưu thế trong doanh thu của ngành, được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì và chứng kiến sự tăng trưởng nhờ chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và các quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện được nới lỏng và thông thoáng hơn, cùng với đó là sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm dược phẩm chuyên biệt, đặc biệt là những loại thuốc hiếm, thuốc sinh học và thuốc điều trị các bệnh hiểm nghèo. Trong khi đó, kênh phân phối qua nhà thuốc (OTC) dù tăng trưởng doanh thu không quá ấn tượng trong 10 tháng qua, cũng được đa số doanh nghiệp kỳ vọng có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong năm 2025.

Về dài hạn, thị trường dược phẩm và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao và dư địa phát triển lớn. Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự kiến đạt 6-8% trong giai đoạn 2023-2028 (theo IQVIA).

Bên cạnh đó, theo dự báo của Statista, doanh thu thị trường thiết bị y tế Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định qua các năm, từ mức 922 triệu USD năm 2016 lên 1,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2029.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Dược & Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức trên hành trình vươn tầm.

Hiện tại, cơ sở hạ tầng, trình độ kỹ thuật và công nghệ vẫn còn hạn chế, trong khi thiếu các khu công nghiệp dược - sinh học tập trung.

Các doanh nghiệp dược phẩm trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, doanh thu và vốn đầu tư còn khiêm tốn, chưa xuất hiện các tập đoàn lớn mang tầm vóc quốc gia. trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thấp, quy mô khiêm tốn.

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển từ thuốc hóa dược sang các loại thuốc sinh học hoặc sinh học tương tự đòi hỏi những bước cải tiến lớn về công nghệ và năng lực tiếp nhận, chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số trong ngành còn chậm, đặt ra áp lực cần có các giải pháp chính sách đồng bộ và sự quyết tâm từ các doanh nghiệp.

Để thực sự tạo bước đột phá, ngành Dược và Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe cần những nỗ lực tổng thể, không chỉ nhằm củng cố vị thế trong nước mà còn để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh quốc tế, định vị Việt Nam trên bản đồ chăm sóc sức khỏe thế giới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm