"Giấu mình" khỏi cái rét trong chiếc áo phao dài đến tận cổ chân, run cầm cập đứng bên vỉa hè một con phố sầm uất ở Seoul, nhân viên văn phòng Lee Ju-eun vẫn cầm khư khư cốc Americano đá lạnh cóng với nụ cười tươi rói. Ngày hôm đó, thủ đô Hàn Quốc đang trải qua một đợt rét cực đậm với nhiệt độ xuống tới mức -17 độ C.
"Mình chỉ uống loại này thôi. Americano đá vừa dễ uống vừa ngon, nên mình thích nó ngay cả vào mùa đông. Lạnh đấy nhưng không sao, mình chịu được", Ju-eun nói trong khi rón rén cầm chiếc cốc đầy đá với đôi tay trần.
Giống Ju-eun, kế toán Lee Dae-hee nói anh chỉ uống độc Americano đá vì nó là một cách vừa nhanh vừa hiệu quả để "nạp" chút caffeine - "nguyên liệu tiếp sức" cho nền văn hóa ppalli ppalli chảy tràn trong huyết quản người lao động Hàn Quốc.
Ju-eun giữ khư khư cốc cà phê đá trong tiết trời âm độ, tuyết rơi.
"Tôi làm nhanh một cốc Americano đá để tỉnh táo làm việc. Nó chẳng làm tôi lạnh đâu vì tôi sẽ quay về văn phòng ngay mà không dành nhiều thời gian ở ngoài", Dae-hee nói, trong khi vừa ân cần che chắn cho cốc cà phê của mình khỏi màn tuyết lất phất vừa lao về văn phòng sau giờ ăn trưa.
Nếu không biết đến Americano đá, có lẽ bạn chưa bao giờ xem phim hay chương trình truyền hình của Hàn Quốc. Món đồ uống này đã trở thành một thức uống quốc dân bất-thành-văn của xứ sở Kim Chi. Nó xuất hiện ở khắp mọi nơi, theo đúng nghĩa đen - từ những ngôi sao K-Pop hàng đầu như BTS, tới các nhân vật trong phim truyền hình tình cảm.
Americano đá vừa dễ uống vừa ngon, nên mình thích nó ngay cả vào mùa đông. Lạnh đấy nhưng không sao, mình chịu được.
Thậm chí, tình yêu của người Hàn với món uống này còn tạo ra một câu tục ngữ tiếng Hàn có nghĩa "Có chết cóng đi nữa vẫn phải uống đá". Còn có riêng một cụm từ tên riêng cho "tín đồ đạo Americano đá" tuân thủ thành ngữ trên: Ul-juk-ah (얼죽아).
Người Hàn đặt cho nó một cái tên khá dễ thương: "Ah-Ah" - là cách phát âm tắt của từ tiếng Anh "Iced Americano".
Chẳng có gì quá phức tạp hay cao siêu về Americano đá. Nó đơn giản là một vài shot espresso pha loãng với đá và nước. Dữ liệu của Starbucks cho thấy doanh thu của nó vượt xa những loại đồ uống nóng ngay cả giữa mùa đông tại Hàn.
Thời trang phang thời tiết thì ai cũng biết, nhưng cà phê kệ thời tiết mới là "hot trend" ở Hàn.
Trung bình, một người Hàn tiêu thụ tới 353 cốc cà phê mỗi năm, gấp gần 2,7 lần trung bình toàn cầu (132), theo một nghiên cứu năm 2019 của VIện Nghiên cứu Hyundai.
Tất nhiên là các doanh nghiệp cà phê lớn "đánh hơi" thấy mùi của xu hướng này có khi còn nhanh hơn mùi của cà phê chất lượng. Starbucks Hàn Quốc đã tạo ra "thử thách đá", khuyến khích các Ul-juk-ah gọi "Ah-Ah" để được miễn phí tăng size đồ uống vào thời điểm âm độ tháng 1 vừa qua.
Đồ uống có đá chiếm đến 76% tổng số doanh thu ở Starbucks tại Hàn vào năm 2022. Trong đợt lạnh cuối tháng 1, doanh số "Ah-Ah" vẫn chiếm tới 54%.
Park Han-jo từ Starbucks Hàn Quốc cho biết: “Cách tiêu dùng hàng hóa, thực phẩm và đồ uống của mọi người bất chấp thời tiết dường như đã trở thành một xu hướng mới".
Các cửa hàng cà phê độc lập cho biết dữ liệu của họ cũng cho thấy điều tương tự. Kim Bum-soo, chủ một quán cà phê ở trung tâm thành phố Seoul, cho biết khoảng một nửa doanh số bán cà phê của anh là Americanos đá, quanh năm.
“Có vẻ như người Hàn Quốc thích đồ uống lạnh hơn", Kim nói, đồng thời cho biết thêm rằng khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc, có xu hướng gọi trà ấm ngay cả trong mùa hè.
Nhưng vì sao?
Chủ quán cà phê Bum-soo cho biết một lý do khiến nhân viên văn phòng ở Seoul yêu thích Americanos đá có thể là do nơi làm việc của họ quá nóng và ngột ngạt.
Jeong Jae-won, 30 tuổi, tự xưng là “Ul-juk-ah” cũng đồng tình. “Ở trong văn phòng ấm nên tôi sẽ uống ở đó”, cô nói.
Không chỉ dân văn phòng mới mê đồ uống này. Siêu sao K-Pop Suga của BTS thường xuyên được chụp ảnh với một ly Americano đá trên tay, bất chấp việc từng nói với người hâm mộ rằng anh đang cố gắng cắt giảm lượng caffeine.
Suga với ly cà phê đá.
Fan hâm mộ K-Pop nước ngoài thì hào hứng thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn trực tuyến về phiên bản “Ah-Ah” ưa thích của Jaemin (NCT Dream): 8 shot espresso uống kèm đá.
Jang Jun-woo, một nhà báo chuyên mục ẩm thực, người điều hành một quán rượu tapas, cho biết chứng nghiện “Ah-Ah” của người Hàn Quốc có thể liên quan đến ẩm thực của họ.
Nền ẩm thực gắn với đồ lạnh
Các món ăn như món mì lạnh naengmyeon, được phục vụ với đá viên kèm trong nước dùng, là một phần không thể thiếu trong nhiều bữa ăn truyền thống ở Hàn. Hiếm ở đâu mà người dân mê đồ lạnh đến như vậy. Thử nhìn sang láng giềng Nhật Bản, Jun-woo giải thích, họ cũng không bao giờ bỏ đá vào món mì udon lạnh.
Mì lạnh không phải hiện tượng mới. Theo tờ Korea Times giải thích, phương châm trị liệu bằng đồ ăn ở bán đảo Triều Tiên có câu "Hãy dùng đồ ăn lạnh đánh bại thời tiết lạnh". Người dân ở phía tây bắc bán đảo Triều Tiên thưởng thức mì lạnh vào tháng cuối cùng của âm lịch khi thời tiết mùa đông khắc nghiệt ập đến quốc gia này.
Nguồn gốc ra đời khiến mì lạnh là món ăn ưa thích cho mùa đông và khởi nguồn khả năng dùng "thức ăn đánh văng thời tiết" của họ.
Cho đến trước những năm 1910, mì lạnh là món ăn theo mùa chỉ ăn vào mùa đông, hoàn toàn trái ngược với xu hướng hiện nay. Ngày nay mì lạnh là món ăn quanh năm, mặc dù mùa cao điểm là mùa hè.
"Giống như các quốc gia khác, Hàn Quốc là một xã hội nông nghiệp và hầu hết mọi người là nông dân", chuyên gia thực phẩm Hwang Young-chul nói. "Những người nông dân bận rộn quanh năm gieo hạt, trồng trọt và thu hoạch mùa màng, trừ mùa đông".
Hồi đó, mì là một món ăn chậm. Làm mì là một công việc tốn nhiều thời gian và công sức vì không có máy làm mì tự động như máy được sử dụng ngày nay.
Theo Donggukseshigi (동국세시기) (tạm dịch: Bản ghi chép về phong tục theo mùa của Vương quốc phía Đông) vào năm 1849, naengmyeon được mô tả là một loại thức ăn mùa đông do thành phần của nó.
Nguyên liệu chính để làm mì là kiều mạch, giúp sợi mì dai. Mặc dù không rõ kiều mạch bắt đầu được trồng ở bán đảo Triều Tiên từ khi nào, nhưng đây là một trong số ít loại lương thực có thể thu hoạch trong mùa đông ở đây vào thời điểm đó.
Vì mì naengmyeon có chứa kiều mạch nên chúng rất dẻo và dai, nhưng nhược điểm là không có kết cấu bền nhiệt. Nếu ăn với nước dùng nóng, mì sẽ tan ngay lập tức. Để mì giữ được hình dạng, chúng phải được ăn với nước dùng lạnh hoặc với đá. Hồi đó, người dân bán đảo Triều Tiên không có tủ lạnh như ngày nay. Tiện lợi là, vào mùa đông thì đá ở khắp mọi nơi.
Nhưng mà không chỉ có mì lạnh được ưa chuộng đâu. Món cơm chan nước đá lạnh cũng được người Hàn yêu thích để tận dụng hết phần cơm dính vào thành nồi cơm, hoặc để ăn cùng kim chi cay nhằm cân bằng lại hương vị. Thế mới thấy, thói quen ưa ăn lạnh đã "ngấm vào máu" người dân Hàn Quốc, chứ "Ah-Ah" cũng không phải hiện tượng lạ gì.
Văn hóa ppalli ppalli
Hiếm quốc gia nào có văn hóa vội vàng như người Hàn Quốc. Lý do này có thể không thuyết phục bằng lý do đầu tiên, nhưng nó cũng có thể giải thích phần nào.
Người Hàn thích uống cà phê đá kể cả vào mùa đông đơn giản là vì họ không hay ngồi nhấm nháp cà phê. Cà phê đá hợp uống nhanh (uống chậm có thể làm đá tan gây loãng), còn nếu uống cà phê nóng mà muốn nhanh thì bạn có thể đánh đổi bằng bỏng - điều chẳng ai muốn cả. Đừng quên là "Ah-Ah" pha cũng rất nhanh và đơn giản nữa.
Còn cà phê ấm thì tất nhiên là không đủ "đã". Trong trường hợp đó, cà phê đá là hợp lý rồi.
Thanh lọc vị giác và vòm họng
Một số món ăn của người Hàn khá đậm vị, hoặc cay nồng, như Kim Chi và nhiều món banchan. Để rửa trôi khoang miệng và làm sạch vị giác sau một bữa ăn trưa, không có gì khó hiểu khi người Hàn chọn một món uống vừa tiện lợi, vừa giúp tỉnh táo, lại còn sảng khoái mát lạnh giúp tráng miệng rất tốt.
Biết những điều trên, có lẽ bạn sẽ không còn thắc mắc tại sao người Hàn lại có thói quen tưởng như ngược đời đến vậy. Nếu có dịp, hãy thử "Ah-Ah" vào mùa đông ở Hàn Quốc xem, biết đâu bạn lại thích.
Nguồn: Tổng hợp