Theo báo cáo cập nhật tỷ giá USD/VND mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng rủi ro đối với đồng VND từ giờ đến cuối năm nếu có vẫn sẽ đến từ diễn biến của đồng USD. Chỉ số DXY tiếp tục tăng giá mạnh khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nâng lãi suất nhiều hơn dự tính và lạm phát của Mỹ không thể kiểm soát được.
Chuyên gia cho rằng chỉ số DXY hiện tại dường như đã phản ánh những thông tin có thể sẽ xảy ra như Fed nâng lãi suất thêm 1,25 điểm % tới cuối năm 2022 và thêm 0,25 điểm trong năm 2023. Nếu Fed có quyết định tăng cao hơn mức kỳ vọng hiện nay có thể tác động tới xu hướng tăng của đồng USD.
Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định đối với các lãi suất điều hành, theo đó các loại lãi suất điều hành (lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn) và nâng trần lãi suất huy động của các kỳ hạn ngắn đã được điều chỉnh tăng.
"Quyết định nâng mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại của NHNN là bước đi phù hợp với thực tế khi đã có hơn 90 ngân hàng trung ương nâng lãi suất điều hành. Mặt bằng lãi suất huy động tăng sẽ giúp đồng thời duy trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô," báo cáo viết.
Với bối cảnh trên, Phòng Phân tích BVSC cho rằng mức mất giá của VND có thể lên cao nhất tới mức 4% trong năm 2022, nhưng mức mất giá ở thời điểm hiện tại đã nằm trong vùng cao nhất của năm. Đối với năm 2023, khi lãi suất điều hành của Fed đạt đỉnh, đồng USD ổn định hơn, diễn biến của VND sẽ trở lại quỹ đạo ổn định của các năm trước trong biên độ +/- 2%
VND đã mất giá 3,67% so với USD kể từ đầu năm
Trước áp lực khó kìm hãm từ lạm phát, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, tao áp lực khiến nhiều đồng tiền khác mất giá, bao gồm VND.
Báo cáo của BVSC cho biết tính tới ngày 22/9/2022, đồng VND của Việt Nam đã mất giá 3,67% kể từ đầu năm, nằm trong số những đồng tiền có biến động ổn định nhất so với đồng USD. Các chuyên gia cho rằng VND duy trì được sự ổn định nhờ Việt Nam duy trì được vĩ mô ổn định, triển vọng tăng trưởng tích cực và lạm phát vẫn đang ở mức thấp.
Trong bối cảnh đồng tiền của nhiều nước mất giá, tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, việc đồng VND giảm trên 3% cũng là một yếu tố hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo tính toán của Phòng Phân tích về chỉ số tỷ giá hiệu dụng danh nghĩa (NEER) và chỉ số tỷ giá hiệu dụng thực (REER), so với cuối năm 2019 (thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và các quốc gia đồng loạt thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng), kể từ nửa sau năm 2021 tới nay, chỉ số REER và NEER vẫn đang duy trì trên mức 100.
Điều này cho thấy trên thực tế đồng VND của Việt Nam vẫn đang có sức khỏe tốt và lên giá so với các đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính, BVSC nhận định.
Ngoài ra, so với quá khứ, bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng tốt hơn rất nhiều, với tăng trưởng GDP được duy trì liên tục trong các năm (kể cả giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19), lạm phát ở mức dưới 4% từ năm 2015 tới nay, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ/GDP được duy trì ở mức thấp.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng vẫn đang duy trì xuất siêu liên tục trong 6 năm trở lại đây và ghi nhận nguồn vốn FDI mới chảy vào.