Tài chính

Buồn của châu Âu: Hết thời kiếm tiền từ thị trường ‘siêu lợi nhuận’, bắt đầu "run rẩy" trước cú sốc mới khi bị Trung Quốc "lấn áp" trên mọi mặt trận

Buồn của châu Âu: Hết thời kiếm tiền từ thị trường ‘siêu lợi nhuận’, bắt đầu 'run rẩy' trước cú sốc mới khi bị Trung Quốc "lấn áp" trên mọi mặt trận- Ảnh 1.

Mới hơn 11 giờ sáng ở ngoại ô Brussels, nhưng những công nhân tại nhà máy ô tô Audi đã bắt đầu khui những lon bia lạnh.

Nhà máy này đã sản xuất 8 triệu ô tô kể từ năm 1949 và sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào tháng tới. Audi là thương hiệu xe thuộc tập đoàn Volkswagen (Đức).

Pierre, người đã làm việc 23 năm tại nhà máy này, nói rằng không biết sẽ phải làm gì sau đó. “Đây là thành phố, ngôi nhà thứ hai của tôi”, ông nói.

Đối với nhiều nhà phân tích và người trong ngành, đây chính là điểm khởi đầu cho “cú sốc Trung Quốc” của châu Âu.

Tiêu thụ yếu ở Trung Quốc đã khiến xuất khẩu của châu Âu giảm. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch nhập khẩu của nước này với EU năm 2024 giảm 4,4% so với 2023. Trong khi đó, thặng dư của Trung Quốc với châu Âu tăng 12,6%.

Ở châu Âu, Đức cảm nhận được “nỗi đau” rõ nhất. Nền kinh tế lớn nhất EU đang phải đối mặt với năm suy thoái thứ ba liên tiếp, đánh dấu giai đoạn trì trệ kinh tế dài nhất kể từ Thế chiến II.

Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã giảm 10,7% vào năm ngoái. Các công ty lo ngại sẽ tiếp tục chịu áp lực vào năm 2025. Sự sụt giảm này đã khiến cả châu Âu run rẩy.

“Thặng dư thương mại của Trung Quốc chạm mốc 1.000 tỷ USD... Đây là chiến lược đã được lên kế hoạch trong 10 năm nhằm thay thế ngành công nghiệp của chúng tôi”, Thủ tướng Pháp mới Francois Bayrou phát biểu vào tuần trước.

Trong lĩnh vực ô tô, một nguồn tin trong ngành nói rằng “không còn kiếm được tiền từ Trung Quốc nữa”. Ô tô Đức từng bán siêu chạy tại Trung Quốc, giúp mang lại mức lương cao và cổ tức hấp dẫn ở châu Âu.

Nhưng doanh số đang chậm lại. Doanh số BMW tại Trung Quốc giảm 13,4% vào năm ngoái, Mercedes-Benz giảm 9% và Audi giảm 11%.

Một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Châu Á-Trung Âu cho biết Volkswagen, nhà đầu tư Đức lớn nhất tại Trung Quốc, đang chứng kiến lợi nhuận giảm ngay cả khi hãng tăng đầu tư vào Trung Quốc.

Tình hình của các hãng ô tô châu Âu xấu đi nhanh chóng đến mức có thông tin các đối thủ Trung Quốc sẽ mua lại các nhà máy mà Volkswagen định đóng cửa.

Điều này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các công ty Trung Quốc đang đè bẹp các đối thủ châu Âu tại Trung Quốc, châu Âu và các thị trường thứ ba.

Tình hình có thể trở nên tệ hơn khi ông Donald Trump quay lại nhà trắng. Nỗi lo thuế quan có thể khiến các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng hàng hóa sang châu Âu.

Tất cả những điều này diễn ra trước thềm cuộc bầu cử liên bang Đức vào tháng 2. “Đức đang bắt đầu nhận ra rằng nền công nghiệp ô tô, công nghệ sạch và hàng không dân dụng mới của Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp với Đức, các nhà phân tích viết trong một báo cáo từ Trung tâm Cải cách Châu Âu và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Nhà kinh tế Adam Tooze nhận định: “Khi xe điện ‘cất cánh’, cuộc khủng hoảng Volkswagen – hiện mới chỉ bắt đầu – sẽ tồi tệ hơn trong những năm tới, thì khi đó một cuộc khủng hoảng Trung Quốc lộ diện. Mô hình kinh doanh của VW, Mercedes và BMW đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn đang đối mặt với nhiều thách thức”.

Trở lại với nhà máy Audi ở Brussels, công nhân không khỏi bàng hoàng trước tin đồn rằng người Trung Quốc sẽ mua lại nhà máy và sản xuất xe điện tại đây. Họ cũng tỏ ra bi quan về triển vọng công nghiệp của châu Âu.

“Chúng tôi ở châu Âu ... Chúng tôi quá nhỏ bé. Trung Quốc thì sản xuất được giá rẻ, nước Mỹ thì lớn. Chúng tôi bị kẹt giữa hai gã khổng lồ”.

Tham khảo: SCMP

Cùng chuyên mục

Đọc thêm