Kinh doanh

Bước ngoặt cho tài sản mã hoá ở Việt Nam

‏Ngày 15/7/2025, Báo Lao Động cùng Binance, Sky Mavis và Kyber Network tổ chức tọa đàm về tài sản mã hoá. Trong tọa đàm, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng thảo luận về cơ hội của Việt Nam trong lĩnh vực tài sản mã hoá. Những cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam khi ban hành một khung pháp lý phù hợp.‏

‏Cơ hội của Việt Nam‏

‏Mở đầu tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Phó chánh văn phòng Bộ Khoa học Công nghệ, Phó Tổng thư ký Hội tự động hóa Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn bước ngoặt trong việc xác lập khung pháp lý rõ ràng cho tài sản mã hoá.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Phó chánh văn phòng Bộ Khoa học Công nghệ, Phó Tổng thư ký Hội tự động hóa Việt Nam. (Ảnh: BTC cung cấp).

Trong đó có 6 điểm nhấn quan trọng: tài sản mã hoá đã được đưa vào nhóm đối tượng cần theo dõi, nghiên cứu để tiến tới xây dựng cơ chế quản lý phù hợp; Khung pháp lý đang từng bước được hình thành; Một số địa phương như TP. HCM và Đà Nẵng đã tiên phong thử nghiệm, tiếp cận lĩnh vực này một cách chủ động; Các tổ chức quản lý liên quan, như Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, đang nghiên cứu mô hình tài sản mã hoá gắn với giá trị thực…

‏Ông Cường đánh giá đây sẽ là tiền đề quan trọng để lĩnh vực tài sản mã hoá có thể đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế số, mở ra những động lực tăng trưởng mới của Việt Nam.‏

Trong khi đó, từ góc nhìn toàn cầu, ông Richard Teng, CEO Binance, cho rằng thị trường tài sản mã hoá trên toàn cầu đang phát triển nhanh chóng. Nhiều quốc gia, thể chế tài chính lớn như Mỹ, Blackrock đã đưa ra những thông điệp rõ ràng, khẳng định tài sản mã hoá không biến mất mà còn tái định hình ngành tài chính truyền thống.

 Ông Richard Teng, CEO Binance. (Ảnh: BTC cung cấp).

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng cho thấy sự nhạy bén của mình khi liên tục có những quy định, dự luật liên quan. “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển và thúc đẩy tài sản mã hoá toàn cầu. Không chỉ giá trị hiện tại, Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng trong tương lai”, CEO Richard Teng nói. ‏

‏Ông cho rằng việc ban hành một khung pháp lý cho tài sản mã hoá là thách thức lớn không chỉ với Việt Nam mà còn là vấn đề của toàn cầu do lĩnh vực này quá mới mẻ và thay đổi nhanh. Do đó yếu tố then chốt là làm sao cân bằng được giữa luật pháp và đổi mới sáng tạo.

"Nếu tận dụng được làn sóng này, Việt Nam có thể trở thành hình mẫu vì nhiều quốc gia khác cũng đang tìm cách tiếp cận. Việt Nam đang có cách tiếp cận rất sớm và nhanh, tôi nghĩ đây là điểm sáng", ông nói.‏

‏Những thách thức ‏

‏Đồng quan điểm với CEO Binance, ông Nguyễn Thành Trung, CEO của Sky Mavis - kỳ lân blockchain đầu tiên của Việt Nam - nói bất ngờ khi thấy những nhà làm luật của Việt Nam tiếp cận rất sớm với công nghệ.

“Việc sớm triển khai luật liên quan đến tài sản mã hoá cho thấy sự nhạy bén, chớp thời cơ nhanh và kịp thời. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tốc độ cũng đi kèm một số thách thức như liệu đã rà soát đầy đủ các khía cạnh để giúp thị trường phát triển?”, ông Trung đặt vấn đề.‏

‏Ông Nguyễn Thành Trung, CEO kiêm đồng sáng lập Sky Mavis.‏ (Ảnh: BTC cung cấp).

‏“Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam ban hành luật về tài sản mã hoá sẽ là cơ hội vàng với cả thị trường lẫn doanh nghiệp”,‏CEO Sky Mavis nói.

‏Từ góc độ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành blockchain, ông Trần Huy Vũ, CEO của Kyber Network cho rằng Việt Nam đang có lợi thế đi trước trong lĩnh vực tài sản mã hoá. Việc ban hành luật về tài sản mã hoá có thể giúp các doanh nghiệp trong nước nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan chức năng.

‏“Bản chất của công nghệ là phát triển rất nhanh. Có những ứng dụng hiện tại rất nhỏ nhưng chỉ trong 3-5 năm tới có thể thành trụ cột quan trọng. Nếu luật không đủ mở để những sản phẩm mới có cơ hội phát triển, trong tương lai sẽ khó có những tiếng vang lớn mang danh ‘made in Việt Nam”, ông Vũ nói.‏

‏Ông Nguyễn Huy Vũ, CEO Kyber Network.‏ (Ảnh: BTC cung cấp).

‏Tiếp lời CEO Kyber Network, ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ về câu chuyện ít người biết về hành trình trở thành kỳ lân của Sky Mavis.

“Năm 2018, chúng tôi quyết định bỏ thị trường truyền thống, bước chân vào blockchain vì nhìn thấy tiềm năng. Nhưng khi đó sản phẩm của đội ngũ rất nhỏ, mỗi ngày chỉ có vài trăm người dùng.

Nhưng chỉ ba năm sau, Sky Mavis đã gây tiếng vang toàn cầu, có chỗ đứng nhất định. Điều này cho thấy từ ứng dụng nhỏ đến kỳ lân rất ngắn. Nếu quản lý quá chặt, chúng ta sẽ không có cơ hội bứt phá để thay đổi cuộc chơi”, ông Trung chia sẻ.‏

‏Điểm chung của các doanh nghiệp blockchain này là mong muốn được đóng góp cho kinh tế Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút thêm nguồn vốn và chất xám từ nước ngoài, đưa đất nước tiến xa hơn trên thị trường toàn cầu. ‏

‏Từ kinh nghiệm quốc tế, CEO Binance cho rằng Chính phủ và những nhà làm luật sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tương lai phát triển của ngành. Ông chỉ ra hai mấu chốt mà Chính phủ nên quan tâm là tạo ra khuôn khổ pháp lý với những quy định tối ưu và thúc đẩy đối thoại với các chủ thể trong ngành. ‏

‏“Tôi nghĩ công nghệ, đặc biệt là blockchain, đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ. Một ‘khung pháp lý thông minh’ sẽ giúp cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và quản lý rủi ro một cách hợp lý. Khi làm được điều đó, ngành tài sản mã hoá ở Việt Nam sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển lâu dài và vươn ra thế giới”, ông Richard Teng, CEO Binance chia sẻ‏.

Các tin khác

2 người tử vong sau khi ăn phở lòng

Ngành y tế tỉnh Hưng Yên đang xác minh vụ việc 2 người tử vong sau khi ăn sáng bằng món phở lòng, 4 trường hợp khác phải đi cấp cứu.

Vì sao khi căng thẳng, nhiều người lại uống nước liên tục?

Căng thẳng không chỉ khiến tay run, tim đập nhanh hay đổ mồ hôi – mà còn âm thầm làm khô miệng, khô cổ họng. Lúc này, một ngụm nước không đơn thuần để giải khát, mà là một "công cụ sinh học" giúp làm dịu hệ thần kinh, tạo khoảng nghỉ cho tâm trí và giúp người nói giữ kiểm soát.