Thời sự

Bùng nổ đầu tư vào các tỉnh Bắc Trung Bộ

Quảng Trị được đánh giá là địa phương hấp dẫn nhà đầu tư vì “dễ dàng thu hút nhân tài và giao thông ở đây sẽ thuận tiện hơn nhiều sau khi sân bay Quảng Trị hoàn thiện”, Nikkei dẫn lời ông Shigeo Fukuda, trưởng bộ phận phát triển khu công nghiệp nước ngoài của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).

Tháng trước, Công ty TNHH liên doanh phát triển Quảng Trị, là liên doanh của Công ty Liên doanh TNHH Khu Công Nghiệp Việt Nam - Singapore, Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa của Thái Lan và Tập đoàn Sumitomo đã khởi công khu công nghiệp Quảng Trị 2.000 tỷ đồng

Phía Sumitomo cho biết đến nay có khoảng 20 nhà đầu tư tiềm năng ngỏ ý muốn thuê đất tại khu công nghiêp trên. Đây cũng là dự án khu công nghiệp đầu tiên của tập đoàn tại vùng Bắc Trung Bộ.

Ngoài Quảng Trị, vùng Bắc Trung Bộ còn có 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.

Giao thông giữa các tỉnh này và Hà Nội đã thuận tiện hơn nhiều nhờ những tuyến đường huyết mạch. Thu nhập trung bình hàng tháng ở khu vực Bắc Trung Bộ thấp hơn khoảng 30% đến 40% so với khu vực xung quanh Hà Nội hoặc TP HCM. Theo Nikkei, mức thu nhập thấp cho thấy khu vực này vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Trong khi các tỉnh phía Nam có thế mạnh là ngành dệt may, phía Bắc tăng trưởng mạnh hơn một phần nhờ làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc từ những năm 2010, thì khu vực Bắc Trung Bộ đang ráo riết thu hút các công ty toàn cầu.

Đầu tư nước ngoài vào khu vực Bắc Trung Bộ đạt khoảng 2 tỷ USD năm 2023, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Trong vùng, Nghệ An được đánh giá nổi bật hơn cả, thu hút kỷ lục 1,6 tỷ USD.

 

Foxconn - đối tác lớn của Apple gây chú ý vào năm ngoái khi hé lộ kế hoạch mở nhà máy mới ở Nghệ An vào tháng 11/2024.

Sau quyết định này của Foxconn, một nhà cung cấp khác của Apple là Radiant Opto-Electronics, cùng có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), cũng có kế hoạch xây nhà máy ở Nghệ An.

Nikkei cho rằng kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ đi lên có thể phần nào đẩy mạnh tiến độ xây đường sắt cao tốc Bắc Nam.

​Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt xây dựng mới, đường sắt đô thị cũng được triển khai. Các tuyến đường sắt đã có được nâng cấp, cải tạo.

Việt Nam sẽ khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam năm 2030, ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang. Một nửa chiều dài đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM được khai thác. Một số đường sắt đô thị tại các thành phố từ một triệu dân cũng được xây dựng.

Năm 2045, Việt Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Các tuyến khu đầu mối TP HCM và Hà Nội được hoàn thành. Mạng lưới đường sắt đô thị tại hai đô thị lớn nhất cả nước cũng hoàn thành.  

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, trong đó có nguồn tăng thu, tiết kiệm chi. Các thành phần kinh tế được kêu gọi tham gia kinh doanh đường sắt và dịch vụ hỗ trợ vận tải.    

Cùng chuyên mục

Đọc thêm