Ngành xây dựng nói chung và vật liệu xây dựng (VLXD) nói riêng đã và đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, và hiện nay là cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Các yếu tố bất ổn mang tính địa chính trị toàn cầu, thiên tai,… vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, ảnh hưởng đến giá VLXD trong quý đầu năm.
Xi măng trong thế "vừa thừa vừa thiếu"
Xi măng là nguyên vật liệu quan trọng trong xây dựng công trình. Theo đó, nhờ hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng trong giai đoạn quý I đầu năm nên sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước tăng trưởng đáng kể, đạt 13,5 triệu tấn. Trong đó, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) chiếm 34,5% tổng sản lượng tiêu thụ trong gian đoạn này.
Dù không công bố cụ thể nhưng doanh thu và lợi nhuận quý đầu năm của VICEM đều tăng so với cùng kỳ từ 15% - 34% và vượt kế hoạch quý 5% - 79%.
Việc nhu cầu trong nước phục hồi song giá nguyên liệu đầu vào (phần lớn là giá than) tăng cao đang gây áp lực cho các doanh nghiệp xi măng trong nước. Riêng trong quý đầu năm, giá xi măng tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tăng 1-3% so với quý IV/2021.
Nhìn chung, các doanh nghiệp trong ngành xi măng có kết quả quý I không mấy khả quan, nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng giá cùng với sự cạnh tranh trên thị trường đã khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này suy giảm.
Điển hình là CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1) – đơn vị dẫn đầu thị phần miền Nam cho biết, giá nguyên, nhiên liệu tăng vọt đã bào mòn hiệu quả kinh doanh của đơn vị, khiến lợi nhuận giảm sút 74% so với cùng kỳ năm trước và là kết quả thấp nhất kể từ quý I/2018. Biên lãi gộp cũng thu hẹp từ 13,7% xuống 8%.
Trong khi đó, đơn vị Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) có lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc hơn 850% nhờ thu nhập khác và các chi phí được tiết giảm.
Dẫu vậy, Chứng khoán VNDirect cho rằng, ngành xi măng Việt Nam đang ở trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” khi nhu cầu xi măng nội địa hiện nay chỉ đạt dưới 65 triệu tấn, mặt khác quy mô công suất toàn ngành đã lên tới gần 107 triệu tấn. Việc dư cung xảy ra đặc biệt tại khu vực miền Bắc và ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu của xi măng Việt Nam.
Không còn tồn kho giá rẻ, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp thép đi xuống
Theo thống kê một số doanh nghiệp thép lớn tại Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Hoa Sen (Mã: HSG), Thép Nam Kim (Mã: NKG) hay Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel - Mã: TVN), tất cả đều ghi nhận doanh thu quý I/2022 tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thép và sản lượng tiêu thụ cùng đi lên là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong quý vừa qua.
Doanh thu bán thép tăng cao nhưng giá vốn hàng bán còn đi lên mạnh hơn, dẫn tới lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp đi xuống. Nguyên nhân là vào quý I/2022, các doanh nghiệp thép không còn nguyên liệu tồn kho giá rẻ như năm ngoái.
Lãi gộp sa sút đã kéo theo theo lãi sau thuế của nhiều doanh nghiệp thép trượt dốc. Trong nhóm thống kê thì chỉ có Thép Nam Kim, Hòa Phát và Thép Việt Đức ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng.
Ngành nhựa duy trì nhịp tăng trưởng
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành nhựa Việt Nam đang được hưởng lợi từ nhu cầu dịch chuyển đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia, được dự báo sẽ tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng doanh thu cao, khoảng 15%/năm trong những năm tới.
Cơ hội của các doanh nghiệp nhựa còn đến từ các hiệp định thương mại FTA, song họ vẫn bị hạn chế về vốn và nguồn nguyên liệu so với các đối thủ nước ngoài. Trong khi các công ty nước ngoài, doanh nghiệp FDI đã có sẵn nguồn cung cấp, thì những đơn vị nhựa nội địa lại có tới 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên ảnh hưởng đến việc cạnh tranh về giá thành.
Kết quả quý đầu năm 2022, cả hai doanh nghiệp Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) - dẫn đầu thị trường ống nhựa miền Nam và Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã: NTP) - chiếm lĩnh thị trường miền Bắc đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, lần lượt 51% và 15% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp đầu ngành trong mảng nhựa đường là CTCP Hóa dầu Petrolimex (Mã: PLC) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công. Trong quý đầu năm 2022, dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận giảm sút do chi phí bán hàng và chi phí tài chính tăng mạnh và do lỗ công ty liên kết.
Nhóm đá xây dựng ít hưởng lợi từ đầu tư công
Với các nhóm doanh nghiệp đá xây dựng, do đặc thù của ngành, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm.
Vì vậy, theo nhận định của Chứng khoán VNDirect, ngoại trừ dự án sân bay Long Thành - Đồng Nai ở khu vực gần các mỏ đá khai thác của các công ty khai thác thì các khu vực khác đều có những công ty tư nhân khác cung ứng cho các cao tốc. Do đó tiềm năng tác động của hoạt động đầu tư công lên kết quả kinh doanh của các công ty khai thác đá xây dựng được đánh giá là không cao.
Trong các đơn vị được thống kê, mức tăng trưởng lợi nhuận có sự phân hóa rõ rệt. Trong đó, CTCP Đá Núi Nhỏ (Mã: NNC) chỉ ghi nhận lãi khoảng 80 triệu đồng, giảm đến 99% so với cùng kỳ. Sở dĩ có sự giảm sút mạnh do lượng đá tiêu thụ quý I giảm 53%, mỏ Núi Nhỏ có lãi đi xuống trong khi chi nhánh Bình Phước chưa thể bù đắp được.
Trong khi đó, CTCP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (Mã: KSB) thì có mức lợi nhuận theo quý thấp nhất kể từ quý III/2019 do chi phí nguyên vật liệu đầu vào gây áp lực lên lợi nhuận.