Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán BSC, đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng năm 2023, trong đó chỉ riêng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đặt mục tiêu tập trung phát triển hạ tầng với kế hoạch giải ngân cao hơn 70% so với cùng kỳ năm trước.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đa số các dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 có sản lượng thi công trên 70% và dự kiến hoàn thành trong năm 2023 gồm: Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Cam Lộ La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cầu Mỹ Thuận 2, Cao Bồ - Mai Sơn.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, việc quan trọng là rút ngắn thời gian chuẩn bị, đẩy nhanh tiến độ khi 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã được đồng loạt khởi công ngay từ đầu năm.
Các chuyên gia BSC đưa ra hai kịch bản, trong đó kịch bản 1, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm chạp, tăng trưởng 8,4% so với năm trước, kịch bản 2, BSC kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng trưởng 23,9% trong năm 2023.
Tại kịch bản 1, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được giao cho các địa phương tăng 70% so với năm trước nhưng giải ngân thực tế chỉ tăng trưởng 7,1%, thấp hơn nhiều mức 17,9% của năm 2022.
Với khối Trung ương, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cũng tăng 70% so với năm trước, nhưng giải ngân thực tế chỉ tăng 14,5%, mức này thấp hơn so với năm 2022 khi tăng trưởng 23,4%. Tổng cộng, giải ngân vốn đầu tư công theo kịch bản này sẽ chỉ tăng trưởng 8,4%, thấp hơn mức 18,8% của năm ngoái.
Ở kịch bản 2, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được giao cho các địa phương và trung ương tăng 80% so với năm trước và giải ngân thực tế tăng 23,9% so với năm 2022. Trong đó, giải ngân thực tế của địa phương tăng 22,4% so với năm trước và khối Trung ương tăng 30,9%.
Phân tích thêm về dự báo này, báo cáo từ BSC cho rằng, các vướng mắc về phát triển hạ tầng đã được giải quyết. Năm 2023, hai khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các dự án hạ tầng giao thông, gồm: Thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng (VXLD) và biến động giá VLXD đã được giải quyết.
"Các cơ quan quản lý đã cấp phép và hướng dẫn thực hiện triển khai khai thác mỏ khoáng sản, VLXD tại các địa phương. Đồng thời, Bộ xây dựng kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá VLXD, chỉ đạo các địa phương công bố giá kịp thời", báo cáo từ BSC chỉ ra.
Với yếu tố vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT và chính quyền địa phương đã phối hợp thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Các địa phương đã bàn giao 76% mặt bằng cuối năm 2022, mục tiêu bàn giao 100% mặt bằng vào quý II/2023.
Yếu tố cuối cùng là tiến độ lựa chọn nhà đầu, Bộ GTVT đã tiến hành chỉ định thầu đối với 12/12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 và phân chia gói thầu thành 25 gói thành phần phù hợp năng lực triển khai, tài chính của các nhà thầu.
Hiện tại, 16/23 dự án cao tốc thuộc gói phục hồi kinh tế đã có nhà thầu hoặc cơ chế chỉ định thầu, báo cáo BSC cho hay.