Báo cáo triển vọng ngành quý II của BSC Research chỉ ra định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ không còn rẻ, đặc biệt sau kết quả kinh doanh quý I/2023.
Cụ thể, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ duy trì hiệu suất tương đối tích cực giai đoạn đầu năm 2023, điều này đến từ việc dòng tiền co hẹp khiến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phù hợp khẩu vị của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, với việc kết quả kinh doanh quý I/2023 của nhóm cổ phiếu này sụt giảm mạnh so với cùng kỳ đi kèm với việc ghi nhận hiệu suất tương đối tốt trong 4 tháng đầu năm 2023 đã khiến định giá của hai nhóm trên không còn hấp dẫn.
"Mặc dù, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thể ghi nhận triển vọng phục hồi lợi trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, do khoảng cách chênh lệch so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tương đối lớn, chúng tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ dần dịch chuyển về các cổ phiếu vốn hóa lớn với các ưu thế như đứng đầu ngành, tài chính ổn định và khả năng giành thêm thị phần nhờ ưu thế về quy mô đi kèm với mức định giá đã được chiết khấu tương đối so với thị trường", báo cáo chỉ ra.
Xét trên phía định giá ngành, nhóm phân tích của BSC Research so sánh giữa PE FWD 2023 và PE trung vị 5 năm, một số ngành cho thấy mức định giá hấp dẫn hơn so với quá khứ có thể kể đến như nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, công nghiệp, thủy sản, dầu khí, bán lẻ.
Một số nhóm ngành có định giá cao hơn quá khứ chủ yếu là nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng mạnh về triển vọng lợi nhuận 2023 như dệt may, tài nguyên cơ bản, cảng biển và dịch vụ hàng không. Các nhà phân tích nhấn mạnh, triển vọng của nhóm trên có được cải thiện hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023.