10 triệu chứng cần nghĩ tới ung thư
Anh Đ.C.H (49 tuổi tại Thanh Hoá) cách đây 15 năm đã có tiền sử cắt 1/3 dạ dày. Sau ca mổ đó cuộc sống của anh vẫn tiếp diễn bình thường, các chức năng tiêu hoá được đảm bảo. Cách đây 6 tháng anh bị đau thượng vị nên đã đi khám tại bệnh viện địa phương và được chẩn đoán viêm loét dạ dày, được bác sĩ kê đơn về uống thuốc.
Sau khi anh H uống thuốc theo đơn bác sĩ kê, các cơn đau thuyên giảm nên anh không đi tái khám theo lịch hẹn. Thi thoảng ở nhà thấy đau anh lại tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống. Thời gian gần đây, anh bị đau nhiều, ăn uống kém nên đã đi khám và phát hiện mắc ung thư dạ dày giai đoạn III.
Bệnh nhân tâm sự với bác sĩ: "Giá như tôi theo dõi định kỳ và phát hiện ung thư sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn".
Cũng tương tự trường hợp của anh H, anh T.V.T (42 tuổi) xuất hiện tình trạng đi ngoài ra phân lỏng nhưng anh không đi khám ngay. Anh T cho rằng mình bị kiết lỵ do ăn uống thất thường, thức ăn không vệ sinh sạch sẽ nên chỉ uống thuốc cầm tiêu hoá.
Khi thấy người gầy sút và đi ngoài ra phân có nhầy máu anh mới đi khám. Khi tới khám anh đã được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối, điều này khiến anh rất hối hận.
Theo Ths.BS Thân Văn Thịnh, Khoa khám, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ung thư được phát hiện sớm là khi người bệnh chưa có bất cứ triệu chứng gì. Còn bệnh nhân phát hiện mắc ung thư khi đã có triệu chứng thường đã không còn sớm nữa.
Các triệu chứng của ung thư nói chung thường không đặc hiệu. Có nghĩa là các triệu chứng của bệnh có thể nhầm lẫm với các bệnh lý khác.
Bác sĩ Thịnh khám cho bệnh nhân, ảnh L.P
"Khi chúng tôi nghiên cứu và tổng kết lại thì triệu chứng của ung thư có khoảng 10 triệu chứng. Và chúng tôi cũng chỉ coi đây là các triệu chứng không đặc hiệu", bác sĩ Thịnh nói.
Bác sĩ Thịnh phân tích thêm về các triệu chứng không đặc hiệu của ung thư, cụ thể:
1. Ho ra máu có thể nghĩ tới ung thư phổi, ung thư vòm mũi họng.
2. Xuất hiện khối bất thường trên cơ thể: ung thư vú, ung thư tinh hoàn, ung thư phần mềm…
3. Nốt ruồi tự nhiên to lên nhanh, chảy máu, biến sắc…bệnh ung thư hắc tố, ung thư biểu mô da…
4. Triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, ù tai, rối loạn đại - tiểu tiện có thể do bệnh lý dạ dày hoặc ung thư đường tiêu hoá, ung thư vòm họng…
5. Một số triệu chứng khác như đái ra máu có thể do ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư tinh hoàn, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư niệu quản, ung thư niệu đạo,…
6. Quan hệ ra máu âm đạo có thể do ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ…
7. Đi đại tiện ra máu có thể là ung thư đại trực tràng, ung thư ống hậu môn.
8. Vết loét tổn thương trên da, niêm mạc trên 3 tuần có thể nghĩ tới ung thư da, ung thư khoang miệng, ung thư dương vật, ung thư âm hộ…
9. Đau kéo dài: Đau ngực kéo dài có thể là triệu chứng của ung thư phổi, đau tức vùng gan có thể là ung thư gan, đau xương ở bệnh lý xương ác tính…
10. Sụt cân, sốt kéo dài, thiếu máu, nổi hạch… có thể cảnh báo ung thư hạch, ung thư máu…
Tuy nhiên, tất cả các triệu chứng trên đều không đặc hiệu.
"Một triệu chứng phổ biến khác có thể kể tới là tình trạng sốt kéo dài. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư máu hoặc nhiễm khuẩn mạn tính.
Sụt cân cũng không phải triệu chứng đặc trưng. Tuy nhiên, khi sụt cân quá nhiều thì người bệnh cũng cần phải lưu ý tới 4 nhóm nguyên nhân: Ung thư, tâm thần kinh (rối loạn lo âu, trầm cảm, hưng cảm…), mắc các bệnh chuyển hoá (đái tháo đường, cường giáp), ăn uống kiêng khem quá mức", bác sĩ Thịnh phân tích.
Bác sĩ Thịnh cũng cho biết thêm, người dân khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào nằm trong 10 triệu chứng kể trên thì cũng nên đi khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời. Bởi vì nếu ung thư được phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Theo GLOBOCAN, Việt Nam đứng thứ 91/185 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ mắc ung thư. Trong đó, tỷ lệ ung thư thường gặp nhiều tại Việt Nam là ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đường tiêu hoá, ung thư máu, ung thư tuyền liệt tuyến, ung thư tuyến giáp…