Thời sự

Bốn địa phương tại Quảng Ninh chưa đạt kế hoạch thu tiền sử dụng đất

Một góc Thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN).

Năm 2022, HĐND tỉnh giao số thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 800 tỷ đồng so với dự toán Bộ Tài chính giao, cơ cấu chiếm 19% tổng thu nội địa để đảm bảo nguồn lực đầu tư các dự án quan trọng của tỉnh.

Số thu này được tỉnh xác định tập trung chủ yếu tại các địa bàn thành phố Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả với các dự án: Công viên Đại Dương (1.189 tỷ đồng), Khu đô thị ngành than (554 tỷ đồng), Khu phức hợp Hạ Long Xanh (1.500 tỷ đồng), Khu đô thị và Dịch vụ công cộng tại phường Hà Phong (423 tỷ đồng), Khu đô thị tại phường Quang Hanh (824 tỷ đồng), Khu đô thị 4B phường Cửa Ông (174 tỷ đồng), Khu đô thị lấn biển Cọc Sáu (143 tỷ đồng), Khu đô thị hai bên đường dẫn cầu Bắc Luân II (1.500 tỷ đồng).

Tuy nhiên đến nay, số thu tiền sử dụng đất của Quảng Ninh mới đạt 4.205 tỷ đồng, bằng 58% dự toán Trung ương giao, bằng 53% dự toán tỉnh giao.

Về cơ bản, 9/13 địa phương đều có tiến độ thu tiền sử dụng đất tốt, còn lại 4/13 địa phương có số thu tiền sử dụng đất chưa đạt theo kế hoạch. Cụ thể, thành phố Hạ Long, Móng Cái và 2 huyện Hải Hà, Bình Liêu.

Đặc biệt là thành phố Hạ Long, thu tiền sử dụng đất đến nay mới đạt 20,8% dự toán, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố mới đạt 35,5% kế hoạch năm, ảnh hưởng chung đến tiến độ giải ngân vốn của tỉnh.

Nguyên nhân do trong quá trình thực hiện có một số khó khăn. Đó là tình hình thị trường đất đai, bất động sản thời gian gần đây trầm lắng, ít được nhà đầu tư quan tâm, quyết định phê duyệt giá đất đã quá thời gian 6 tháng, cần phải thẩm định và phê duyệt lại. Hiện nay còn 16 dự án chưa xác định được giá đất do không có đơn vị tư vấn tham gia xác định giá.

Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Văn Diện cho rằng, việc thu ngân sách đối với phí, lệ phí cần thực hiện thu triệt để. Riêng thu từ đất cần điều tiết chung để có số thu bền vững, phù hợp với thực tiễn, không chạy theo thành tích.

Hiện nay, HĐND tỉnh yêu cầu, trong 2 tháng còn lại của năm 2022, các địa phương cần tập trung tìm các giải pháp để thực hiện thu ngân sách theo kế hoạch được giao từ đầu năm, để đảm bảo nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng trên địa bàn như: đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1); đường nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với trung tâm thành phố Cẩm Phả (giai đoạn 1); Cầu Cửa Lục 1; Cầu Cửa Lục 3…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm