Doanh nghiệp

Boeing vận hành văn phòng thường trực tại Việt Nam

Văn phòng mới của Boeing nằm trong một cao ốc tại quận Ba Đình. Theo ông Michael Nguyễn, Giám đốc Boeing Việt Nam, nơi này có nhiệm vụ giúp công ty phục vụ khách hàng bản địa cùng các bên liên quan, đồng thời tạo dựng nền tảng cho sự tăng trưởng trong tương lai.

"Mối quan hệ giữa tập đoàn Boeing và Việt Nam đang lớn từng ngày, không ngừng hợp tác để phát triển năng lực hàng không vũ trụ", ông nói.

Theo Cổng thông tin doanh nghiệp, Boeing đã đăng ký thành lập pháp nhân Công ty TNHH Boeing Việt Nam (Boeing Vietnam Company Limited) vào tháng 8/2018. Đến tháng 8/2021, Boeing thông báo về việc mở văn phòng tại Hà Nội và nay chính thức vận hành văn phòng này.

Mối quan hệ của Boeing với Việt Nam bắt đầu từ năm 1995, khi Vietnam Airlines thuê ba chiếc Boeing 767-300ER. Sau đó, giao dịch đầu tiên của hãng theo Hiệp định Thương mại song phương hai nước là hợp đồng Vietnam Airlines mua 4 chiếc Boeing777-200ER vào tháng 1/2001.

Trước khi vận hành văn phòng ở Việt Nam, Boeing cũng đã có một số nhà cung ứng tại đây. Năm 2007, MHI Aerospace Vietnam (MHIVA) đã mở một cơ sở sản xuất liên quan đến máy bay tại Hà Nội. Các bộ phận đầu tiên của Boeing được sản xuất ở đó là cánh trong máy bay 737.

Năm 2014, công ty đã giao sản phẩm thứ 1.000 gồm 737 cánh lật được sản xuất tại Việt Nam và đánh dấu việc mở rộng công suất của nhà máy. Từ đó, các bộ phận sản xuất của nhà máy này cung ứng cho dòng Boeing 777 và 777X.

Việt Nam có vị trí chiến lược trong phát triển ngành hàng không vũ trụ khu vực và quốc tế khi nằm ở trung tâm kinh tế, kết nối giao thương của khu vực và toàn cầu, trong đó Hà Nội và TP HCM cách 17 quốc gia khác chỉ 4-5 giờ bay.

Tại Diễn đàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Boeing tại Việt Nam trong tháng 8/2022, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề nghị Boeing 3 nội dung hợp tác. Một là tiếp tục tăng cường đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất và dịch vụ kỹ thuật ngành hàng không ( sản xuất linh kiện, bảo dưỡng tàu bay, công nghiệp sản xuất vệ tinh, công nghệ sóng viễn thông).

Hai là kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu. Và ba là nghiên cứu phát triển trung tâm đào tạo phi công, chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng như thiết lập cơ sở sản xuất tàu bay tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm