Sáng 24-1, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2023 đến đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có những biến thể cần theo dõi như XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86, JN.1.
Không chủ quan với biến thể mới
Với biến thể phụ JN.1 vừa được Sở Y tế TP HCM công bố phát hiện ở các bệnh nhân nhập viện trong tháng 12-2023, ông Đức đề nghị Sở Y tế TP HCM báo cáo cụ thể về các ca bệnh này.
Ông Đức cho biết theo thông tin mới nhất từ cuộc họp ngày 22-1 với WHO, hiện biến thể JN.1 chưa có gì thay đổi ngoài việc né tránh miễn dịch. WHO phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm: Biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.
"Với biến thể phụ này là nhóm 4 trong mức độ "biến thể cần quan tâm". Số ca mắc có thể sẽ tăng, nhưng sẽ không gây bệnh nặng và không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm với biến thể mới vừa ghi nhận tại TP HCM. Đặc biệt, người thuộc nhóm nguy cơ cao không nên chủ quan với COVID-19"- ông Đức nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) TP HCM, cho biết từ 18-12-2023 đến 22-1-2024, các cơ sở y tế tại TP HCM tiếp nhận 94 bệnh nhân COVID-19 điều trị nội trú, trong đó 17 ca nặng phải thở ôxy.
Những người nhập viện có tình trạng nặng đều thuộc nhóm nguy cơ như: Người có bệnh lý nền, người chưa tiêm vắc-xin hoặc mới tiêm 1 đến 2 mũi vắc-xin. Các trường hợp này đều đã ổn định, bình phục, không có ca tử vong.
Cũng theo bà Nga, kết quả giải mã trình tự gene do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện ghi nhận biến thể phụ JN.1 được phát hiện ở 16 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 nhập viện điều trị trong tháng 12-2023. Ngoài ra, có 1 ca nhiễm biến thể JN.1.1, 2 ca nhiễm BA.2.86.1 và 1 ca nhiễm XDD.
Trong bối cảnh Tết Nguyên đán 2024 cận kề, giao lưu, đi lại của người dân tăng cao, điều này khiến nguy cơ gia tăng số ca nhập viện do COVID-19. Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là và tiếp tục thực hiện các biện pháp để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bệnh truyền nhiễm còn phức tạp
Tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trong năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các ca mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, bệnh truyền nhiễm mới nổi tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, bên cạnh phòng chống dịch COVID-19, chúng ta cũng phải đối mặt với bệnh mới nổi, bệnh tái nổi như tay chân miệng, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết. Đây là gánh nặng lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh.
"Qua số liệu của WHO, chúng ta thấy dịch bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh lây qua đường hô hấp. Theo WHO, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19 trong tháng 12-2023, số nhập viện cũng tăng 42% so với tháng 11-2023. Điều đó cho thấy dịch vẫn còn diễn biến phức tạp khó lường. Trong khi đó, miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, gần đây nhất là biến thể JN.1 đang gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu"- Bộ trưởng Lan nói.