Thời sự

Bộ Y tế dự kiến cấp hộ chiếu vaccine từ tuần này

Đến nay có 17 quốc gia đã công nhận chính thức trên nguyên tắc có đi có lại đối với giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 /giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 (gọi chung là hộ chiếu vaccine) của Việt Nam.

Người mang hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và người mang hộ chiếu của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại.

Vào lúc này, câu hỏi đặt ra là những ai sẽ được cấp hộ chiếu vaccine? Có phải tiêm đủ 3 mũi mới được cấp hộ chiếu hay không? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Thưa ông, những người mới chỉ tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 thì có được cấp hộ chiếu không?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Tất cả những người dân đã tiêm chủng vaccine và đã được nhập dữ liệu lên hệ thống thì sẽ được cấp chứng nhận tiêm vaccine điện tử. Những người tiêm 1, 2 hay 3 mũi thì mỗi một mũi tiêm sẽ được cập nhật lên hệ thống, thế và có một mã QR Code, ở nước ngoài người ta sẽ đọc mã QR Code đó thì sẽ ra thông tin chúng ta đã tiêm 1, 2 hay 3 mũi.

Việc nhập cảnh thì theo quy định của từng nước, kể cả loại vaccine cũng là theo quy định chứ không phải là tiêm loại nào thì ở quốc gia khác nhau người ta cũng công nhận cái loại đó ví dụ như Việt Nam chúng ta hiện nay được tiêm 8 loại vaccine, mới nhất thì thêm một loại nữa là loại 9 thế nhưng khi đàm phán công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau, một số quốc gia họ chỉ công nhận là có 3 loại thôi.

Bộ Y tế dự kiến cấp hộ chiếu vaccine từ tuần này - Ảnh 1.

Mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam - Ảnh: Bộ Y tế


PV: Vậy việc triển khai cấp hộ chiếu vaccine sẽ được thực hiện như thế nào và ông có lưu ý gì với người dân, nhất là khi có hàng triệu mũi tiêm chưa được xác nhận thông tin?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Quy trình cấp bao gồm có 3 bước.

Bước 1 là các cơ sở tiêm chủng sẽ phải rà soát thông tin người dân tiêm trên hệ thống, sau đó là nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, sau đó các cơ sở sẽ thực hiện ký số để xác thực thông tin người dân tiêm là chính xác.

Bước 2: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sẽ thực hiện ký số tập trung.

Bước 3: Người dân sẽ nhận được chứng nhận tiêm vaccine điện tử ở trên cổng thông tin hoặc là trên ứng dụng PC-COVID hoặc là ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Hiện nay còn khoảng gần 80 triệu mũi tiêm sai thông tin về căn cước công dân hoặc chưa được nhập lên hệ thông.

Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với công an tỉnh để rà soát, xác minh và nhập bổ sung các thông tin. Chúng tôi khuyến cáo khi đi tiêm chủng, người dân khai báo đầy đủ, chính xác các thông tin để đảm bảo quyền lợi liên quan đến việc cấp chứng nhận giấy cũng như là cấp chứng nhận điện tử.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm