Sống

Bộ Y tế đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng để khuyến khích sinh

Ngày 10/3, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết đơn vị này đã tham mưu Bộ Y tế trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số và dự thảo Luật Dân số. 

Trong dự thảo Luật Dân số phiên bản mới nhất có đề xuất gồm các nhóm chính sách liên quan mục tiêu duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số...

Theo ông Dũng, so với dự thảo từng được đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 9/2024, dự thảo Luật Dân số lần này vẫn dự kiến trao quyền quyết định cho các cặp vợ chồng và cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng.

Điểm khác biệt là dự thảo lần này đề xuất cho phép lao động nữ khi sinh con thứ 2 được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng.

Cùng đó, tạo điều kiện cho phụ nữ sinh đủ 2 con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp được hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội.

Theo quy định hiện hành về thời gian hưởng chế độ khi sinh con, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Theo ông Dũng, đề xuất kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 lên 7 tháng cho lao động nữ khi sinh con thứ 2 được xem là giải pháp khuyến khích của nhà nước để người dân sinh đủ 2 con. Tuy nhiên, vấn đề này cần sự chung tay vào cuộc, chia sẻ của BHXH và doanh nghiệp - người sở hữu lao động.

Mức sinh của người Việt Nam có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, hiện chỉ còn 1,91 con/phụ nữ. (Ảnh minh họa: Huế Nguyễn)

Mức sinh của người Việt Nam có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, hiện chỉ còn 1,91 con/phụ nữ. (Ảnh minh họa: Huế Nguyễn)

Thời cơ quan trọng để Việt Nam tận dụng nhằm duy trì mức sinh thay thế

Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 (2,09 con/phụ nữ) và tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế (xung quanh 2,1 con/phụ nữ) trong suốt 15 năm tính đến năm 2021.

Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, 2022-2024, mức sinh bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh, năm 2024 chỉ còn 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử. Bộ Y tế dự báo mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Theo dự báo, kịch bản mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.

Giai đoạn 5 năm sau đó, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm này vào cuối thời kỳ dự báo (từ 2064-2069) là 0,18%, tương đương giảm bình quân 200.000 người/năm.

Trong khi đó, nếu ở phương án mức sinh trung bình, tới năm 2069, giai đoạn tăng trưởng âm này mới bắt đầu. 

Lúc đó, hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Mức sinh tại Việt Nam. (Nguồn: VIetnamnet)

Mức sinh tại Việt Nam. (Nguồn: VIetnamnet)

Theo nhận định của Bộ Y tế và nhiều chuyên gia xã hội học, hiện mong muốn có hai con trong mỗi gia đình người Việt vẫn đang phổ biến. Do đó, đây sẽ là thời cơ quan trọng, cần tận dụng để duy trì mức sinh thay thế.

Trong nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến hiện thực hóa số con mong muốn ở một số tỉnh có mức sinh thấp công bố tháng 8/2024, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, cho biết ở tất cả các địa bàn, đa số phụ nữ được khảo sát muốn có 2 con.

"Mong muốn có 2 con vẫn đang phổ biến trong xã hội nhưng không bền vững bởi các yếu tố cản trở sinh đẻ đang dần chiếm ưu thế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, thể hiện rõ nhất ở những vùng, tỉnh/thành có mức sinh thấp", nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đức Vinh và cộng sự chỉ ra. 

Do đa số gia đình vẫn muốn có 2 con, nên theo PGS Vinh, việc triển khai chính sách khuyến sinh "không dễ nhưng vẫn khả thi". Nếu không có chính sách khuyến sinh kịp thời và phù hợp thì chuẩn mực gia đình 2 con sẽ dần thay thế bằng mô hình gia đình 1 con hoặc không con, mức sinh sẽ giảm sâu dưới mức thay thế, khi đó sẽ rất khó triển khai hiệu quả chính sách khuyến sinh.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, khi chia sẻ tại hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp tổ chức hồi tháng 8/2024, đã đề ra 11 giải pháp nâng mức sinh.

Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con, thu nhập, điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương, thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình và sinh con, không tạo ra xung đột giữa việc làm và gia đình, có con. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ người lao động mua nhà, rút ngắn thời gian làm việc...

Một trong 3 thời cơ cho Việt Nam được GS Nguyễn Thiện Nhân đưa ra, đó là mức sinh giảm thấp đáng kể mới diễn ra trong hai năm 2023-2024, cùng với truyền thống coi trọng văn hóa của gia đình, đa số thanh niên Việt Nam vẫn mong muốn kết hôn khi trưởng thành và có hai con trở lên.

"Nếu có đột phá về chính sách thì 25-30 năm nữa, các thế hệ thanh niên lúc đó sẽ tiếp tục phát huy truyền thống coi trọng gia đình và sinh con", GS Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Ngày 17/2, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc thực hiện sơ kết Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới và sửa đổi các quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến chính sách dân số. Trong đó, Bộ Chính trị giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Dân số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng trong năm 2025.

Các tin khác

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

Mặc dù nợ xấu tiếp tục tăng mạnh trong quý I nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm. Bộ đệm dự phòng rủi ro suy yếu có thể tạo ra áp lực trong những quý tiếp theo.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đồng loạt tăng

Vào lúc 9h30 sáng nay (8/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 120,7 - 122,7 triệu đồng/lượng, tăng nửa triệu đồng/lượng so với trước giờ mở cửa phiên giao dịch.

Cổ phiếu Novaland tăng trần

Cổ phiếu Novaland (NVL) hôm nay tăng hết biên độ lên 12.250 đồng, vùng giá cao nhất 8 tháng, khi nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng gom hàng.

Miền Bắc nắng nóng kéo dài

Hôm nay (5/5), miền Bắc bước vào đợt nắng nóng kéo dài nhưng không gay gắt. Khu vực miền Trung đón nắng nóng diện rộng, gay gắt. Tây Nguyên, Nam Bộ ngày nắng, có nơi nắng nóng, chiều tối có mưa dông.

Giá vàng giảm mạnh

Sáng nay (2/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Vàng miếng SJC có nơi giảm còn 118,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 114,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng rơi thẳng đứng

Giá vàng thế giới rơi thẳng đứng trong phiên giao dịch Mỹ ngày 1.5, nâng tổng mức giảm trong ngày lên 84 USD/ounce, tương ứng mức mất giá mạnh nhất lên 2,6%.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Sáng nay (1/5), mưa lớn đã bao trùm nhiều khu vực ở miền Bắc. Dự báo trong ngày hôm nay, mưa lớn tiếp tục ở khu vực miền Bắc, từ chiều tối và đêm nay mưa giảm dần. Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Nam Bộ và Nam Tây Nguyên mưa dông vào chiều tối. Các khu vực khác ít mưa, ngày nắng.

Giá vàng thế giới tăng vọt

Vàng thế giới bước vào phiên giao dịch Mỹ ngày 30.4 đã tăng vọt trở lại sau đà giảm giá mạnh trước đó.

Giá vàng đồng loạt giảm

Lúc 9h sáng nay (28/4), các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng SJC và vàng nhẫn.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.