Bộ Nội vụ đang gấp rút triển khai để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào tháng 3/2023. Ảnh minh hoạ
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa có buổi làm việc với Bộ Nội vụ về kết quả thực hiện nhiệm vụ từ sau Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, hai năm qua, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thông qua 2 luật, 2 nghị quyết của Quốc hội; 18 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 16 nghị định và 5 nghị quyết của Chính phủ; 15 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 20 thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và 13 văn bản hợp nhất.
Bộ Nội vụ cũng chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền về phương án, lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; kịp thời đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%).
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, 5 năm qua, Bộ đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy bước đầu tinh gọn và hướng tới hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, bước đầu cơ cấu lại đội ngũ để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ.
Về biên chế, giảm trên 10% biên chế công chức và 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Về tổ chức bộ máy, số đơn vị sự nghiệp giảm 13,5% và tổ chức hành chính giảm trên 10%, đều vượt các chỉ tiêu Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương.
Năm 2023, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn trong lĩnh vực tổ chức bộ máy. Đó là tiếp tục sắp xếp tổ chức hành chính tinh gọn, thu gọn đơn vị sự nghiệp công lập và sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 37 và Kết luận số 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương.
Đáng lưu ý, theo bà Trà, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực có một đề án đổi mới và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công trong giai đoạn tới. Hiện Bộ đang gấp rút triển khai để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào tháng 3/2023, tiếp theo đó sẽ trình Chính phủ thông qua nghị quyết về vấn đề này.
Bên cạnh đó là nhiệm vụ thực hiện tinh gọn biên chế đồng thời cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ, hoàn thành được việc xác định vị trí việc làm, mô tả khung năng lực của vị trí việc làm của cả hệ thống hành chính nhà nước.
Theo Bộ trưởng Nội vụ , hiện nay đang tồn tại hai chế độ công vụ, đó là chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên và chế độ công vụ đối với cấp xã. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp cơ sở, từ đó đảm bảo xây dựng một chế độ công vụ chung từ cấp cơ sở đến Trung ương.
Chia sẻ với những khó khăn của ngành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định, công việc của Bộ Nội vụ “không những nhiều mà còn khó”. Bởi đụng đến con người, đụng đến tổ chức bộ máy là tế nhị, sát sườn với tất cả mọi người. Thứ hai là đụng đến những việc rất khó làm, như tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính dôi dư, hay như công tác tôn giáo, tín ngưỡng cũng rất đặc thù...
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với kiến nghị về việc điều chuyển số viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm công chức trong các tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước thành công chức. Chuyển số người có mặt đang thực hiện vị trí việc làm công chức trong các tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước có cơ chế tài chính đặc thù chưa được giao biên chế công chức thành công chức.
Ủng hộ việc xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, tuy nhiên, ông lưu ý để việc này có chất lượng, Bộ Nội vụ phải có văn bản với tinh thần yêu cầu cụ thể nội dung và đề xuất thời gian hoàn thành. Phó Thủ tướng hứa sẽ đồng hành với bộ, có sự chia sẻ, hỗ trợ.