Kỹ năng sống

Bỏ thiết kế đồ họa theo đuổi giấc mơ chinh phục bầu trời

Từ Hàn Quốc trở về phi trường Tân Sơn Nhất sau gần 6 tiếng bay, cơ phó Mạch Thị Thùy Khanh lập tức di chuyển đến trung tâm huấn luyện BAA Training Việt Nam gặp gỡ đồng nghiệp, bàn luận tình huống gặp phải trong quá trình điều khiển "chim sắt" và thực hành trên buồng lái mô phỏng máy bay (SIM). Cô thu hút người đối diện với diện mạo sáng, vóc dáng nhỏ nhắn và tác phong chuyên nghiệp. Ít ai biết trước đó, cô từng học 4 năm thiết kế đồ họa tại Đại học Kiến trúc, TP HCM.

Thùy Khanh nói về bước ngoặt cuộc đời và hành trình "sống đầy" cùng nghề phi công. Video: Hoàng Thanh

Nghề phi công - ngã rẽ cuộc đời

Có mẹ công tác trong ngành hàng không, thuở bé, Khanh đã thích cảm giác "bay lượn" trên bầu trời, ngắm tầng mây và cảnh sắc đẹp như tranh từ ô cửa kính máy bay. Tuy nhiên, cô bé 7-8 tuổi khi ấy chưa định hình rõ ước mơ nghề nghiệp. Thời cấp ba, cô không thích ngành nào, thi Đại học Kiến trúc đơn giản vì biết vẽ.

Suốt năm tháng sinh viên, Thùy Khanh làm đủ công việc bán thời gian, trong đó có thiết kế đồ họa để có trải nghiệm thực tế, hiểu thêm ngành nghề sẽ gắn bó. Nhưng càng làm, cô càng nhận ra bản thân không hợp với guồng quay "nhận dự án, chạy deadline".

Cô tiết lộ: "Tôi thích công việc tự do, không phải mang bản vẽ dang dở về nhà, không thích cảm giác chạy đuổi deadline. Từ năm ba, tôi có ý định từ bỏ lĩnh vực đã học, chuyển sang ngành táo bạo hơn", Khanh nói. Sau tốt nghiệp, cô quay lại đam mê "chinh phục bầu trời" thuở bé. Ngã rẽ cuộc đời cô bắt đầu từ đây. Thay vì tương tác trực tiếp với hành khách, cô thích ngồi trước điều khiến phi cơ. "Nghe khá oai và oách, khi ấy, tôi thực sự muốn thử", Khanh nói.

Sau 5 năm, Khanh hiện là cơ phó Pacific Airlines. Ảnh: Thi Quân

Sau 5 năm, Khanh hiện là cơ phó Pacific Airlines. Ảnh: Thi Quân

Ban đầu, gia đình Khanh bất ngờ, không đồng ý vì nghĩ con bốc đồng, chỉ thay đổi chốc lát chứ không định gắn bó lâu dài. Cô mất một năm thuyết phục cả nhà chấp nhận cho mình "sống đầy cùng nghề phi công". Chỉ khi thấy con thực sự quyết tâm, ông ngoại, mẹ và cậu của Thùy Khanh mới gom tiền tích cóp bao năm, vay mượn thêm để con đi học.

"Tôi thấy mình ích kỷ, chỉ khăng khăng theo sở thích cá nhân, không nghĩ đến gia đình. Chi phí đào tạo phi công rất đắt đỏ - 200.000 USD (gần 4,6 tỷ đồng). Số tiền khổng lồ này là gánh nặng cho cả nhà. Tôi biết ơn khi người thân ủng hộ", cô nói.

Sau khi hoàn thành các bài kiểm tra, cô đăng ký học lý thuyết ở TP HCM, rồi sang Mỹ học bay cơ bản. Mỗi lần ngồi vào buồng lái thực hành, Khanh rất háo hức.

Chuyến bay đầu tiên của cô gái Việt có sự hỗ trợ của thầy giáo Mỹ. Cô nhớ lại: "Khoảng khắc tự mình cất cánh khiến tôi xúc động. Tôi thực sự thích cảm giác làm chủ máy bay lẫn bầu trời, bên ngoài là cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp. Tôi không gặp khó trong thao tác lên cao, chân nhả thắng, tay đẩy cần ga và bánh lái. Lúc ấy, tôi nghĩ mình hợp và yêu nghề này".

Tuy vậy, Khanh gặp không ít thách thức, đôi lần bật khóc vì không hoàn thành bài tập, thao tác sai lẫn yêu cầu khắt khe của ngành học. Thay vì bỏ cuộc giữa chừng, cô tự nhủ bản thân phải nghĩ đến lý do bắt đầu và kiên trì vượt khó. Kết thúc khóa học ở Mỹ, cô có ba bằng bay tư nhân, thiết bị và bay thương mại.

Sau đó, cô sang Singapore học khóa huấn luyện chuyển loại máy bay Airbus A320. Về nước, cô đầu quân cho một hãng hàng không, rồi gia nhập Pacific Airlines.

Dù gặp nhiều khó khăn, Thùy Khanh vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ làm phi công. Ảnh: NVCC

Dù gặp nhiều khó khăn, Thùy Khanh vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ làm phi công. Ảnh: NVCC

Vượt định kiến và không ngừng học hỏi

Sau gần 5 năm làm nghề và trải qua hơn 700 giờ bay, đến giờ Mạch Thùy Khanh vẫn đối mặt định kiến "phụ nữ khó làm nên chuyện" và nghề lái máy bay chỉ dành cho nam giới. "Nhiều người nói thẳng không tin tưởng, không muốn lên máy bay khi thấy phi công nữ", cô cho hay.

Khanh khẳng định để ngồi vị trí cơ phó như hôm nay, cô phải đánh đổi rất nhiều thứ. "Nếu tự trải nghiệm những bài thực hành, bài thi như tôi, họ sẽ không còn định kiến về con gái lái máy bay. Thậm chí, khóa tôi học tại Mỹ, có rất nhiều bạn nữ siêu tài năng, giỏi hơn nam giới rất nhiều".

Cứ sáu tháng một lần, cô và các phi công phải trải qua bài kiểm tra kiến thức, kỹ năng rất khắt khe, trong đó có thực hành xử lý tình huống khẩn cấp. Cô gái sinh năm 1996 lý giải yêu cầu này nhằm đảm bảo khi xảy ra trường hợp bất thường, phi công hoàn toàn kiểm soát được tình huống.

Đội ngũ phi công cũng liên tục đối mặt với các kỳ sát hạch gồm điều khiển máy bay trong thời tiết xấu, kỹ năng phản ứng nhanh trước mọi tình huống suốt quá trình bay. "Chúng tôi không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân". Bên cạnh áp lực, Thùy Khanh và đồng nghiệp có nhiều chuyến đi đáng nhớ, được khám phá cảnh sắc, văn hóa và ẩm thực nước bạn.

Vẻ rạng rỡ của Thùy Khanh ở phi trường nhận nhiều lời khen trên Facebook. Ảnh: NVCC

Vẻ rạng rỡ của Thùy Khanh ở phi trường nhận nhiều lời khen trên Facebook. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, Khanh cũng nổi tiếng trong giới trẻ khi lập kênh YouTube chia sẻ thông tin liên quan ngành hàng không, trả lời thắc mắc của khán giả về thứ cần chuẩn bị trước khi theo nghề phi công, nội dung chương trình học, quá trình đào tạo, cơ hội việc làm lẫn tình huống thú vị khi bay.

"Tháng 10 năm nay, tôi kỷ niệm 5 năm gắn bó nghề. Dù trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng không thể vượt qua, may mắn đến giờ, tôi chưa có ý định từ bỏ. Đây là lựa chọn đúng đắn", cô nói. Tại Hội nghị Phụ nữ 2022, Khanh được Forbes Vietnam chọn là nhân vật truyền cảm hứng với nội dung "Phụ nữ trân trọng những giá trị hiện đại".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm