Xã hội

Bộ Tài chính đề xuất hai phương án nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT, cao nhất 15,5 triệu đồng/tháng

Ngày 17/7, Bộ Tài chính đã ban hành Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.

Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được áp dụng theo Nghị quyết số 954/2020 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012 quy định rõ trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biển động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Theo đó, với mức biến động CPI năm 2025 dự kiến từ 4,5 - 5% thì biến động chỉ số CPI từ 2020 đến hết 2025 theo tính toán của Cục Thống kê sẽ vượt 20% (khoảng 21,24%). Do đó, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính vừa đề xuất hai phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. (Ảnh minh hoạ: VTV).

Cũng theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ngoài tham chiếu chỉ số CPI, có thể tham chiếu thêm các yếu tố: GDP bình quân đầu người, thu nhập bình quân lao động,... Do đó, tại tờ trình, Bộ Tài chính đã đề xuất hai phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Trong đó, với phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng CPI tại Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012. Với phương án này, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế sẽ tăng từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng. 

Bộ Tài chính đánh giá việc điều chỉnh mức mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc theo biến động của chỉ số CPI theo đúng quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, bám sát phương diện cơ sở áp dụng các khoản giảm trừ theo nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và mức độ trượt giá từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020).

Với phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người. Theo đó, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế sẽ tăng từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 15,5 triệu/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên khoảng 6,2 triệu đồng/tháng. 

Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế ở mức cao hơn, người dân được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống xã hội được nâng lên. 

Mặc dù phương án này sẽ có tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước ở mức cao hơn nhưng với mức giảm trừ gia cảnh cao hơn, đồng nghĩa với số thuế phải nộp ít đi, thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân, từ đó có thể gián tiếp làm tăng thu ngân sách Nhà nước từ các nguồn thu khác trong trung và dài hạn. 

“Với mức giảm trừ dự kiến, những người có thu nhập thấp hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ có tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân trong một số năm đầu. Số giảm thu ngân sách Nhà nước có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng”, tờ trình của Bộ Tài chính nêu rõ.

Về hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính cho biết mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ được thực hiện kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.

Các tin khác

7 món ăn người bệnh thận nên tránh

Chế độ ăn uống khoa học là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh thận, dưới đây là danh sách các thực phẩm người bệnh thận nên tránh để bảo vệ sức khỏe.

Trung Nguyên Legend phát triển hệ thống giáo dục quốc tế tại Thành Phố Cà Phê

Ngày 20.7.2025, Trung Nguyên Legend chính thức ký kết hợp tác chiến lược phát triển giáo dục với hệ thống trường INschool thuộc Tổ chức Giáo dục Interlink Education và hệ thống trường Xanh Tuệ Đức nhằm triển khai hệ thống trường mầm non, tiểu học chuẩn quốc tế tại khu đô thị Thành Phố Cà Phê.

Sở hữu nhà đất dưới 2 năm, khi bán chịu thuế 10%?

Bộ Tài chính đề xuất nếu không xác định được giá mua, chi phí liên quan chuyển nhượng bất động sản, với bất động sản có thời gian nắm giữ dưới 2 năm, thuế thu nhập cá nhân xác định bằng giá bán nhân (x) thuế suất 10%.