Lần đầu quy định xử phạt hành vi vi phạm về tài sản mã hóa
Dự thảo nghị định bổ sung một mục riêng gồm 5 điều, quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa.
Theo đó, tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa sẽ bị xử phạt nếu vi phạm các nghĩa vụ cơ bản như không xác minh danh tính nhà đầu tư khi mở tài khoản; không lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch; cung cấp dịch vụ khi chưa được cấp phép; tổ chức thị trường giao dịch khi chưa có chấp thuận từ cơ quan quản lý; không tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản của tổ chức cung cấp dịch vụ; hoặc sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch, thao túng thị trường tài sản mã hóa.
Bộ Tài chính đề xuất xử phạt hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa với mức tiền từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm, có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời gian từ 3 đến 5 tháng.
Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa có thể bị phạt từ 300 triệu đến 2 tỷ đồng nếu vi phạm các quy định như: không xác minh danh tính nhà đầu tư, cung cấp thông tin quảng cáo gây hiểu lầm, hoặc không tách biệt tài sản của khách hàng với tài sản tự doanh.
Bộ Tài chính cũng đề xuất xử phạt từ 100 đến 200 triệu đồng đối với nhà đầu tư không thực hiện mở tài khoản và chuyển toàn bộ tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu ký, giao dịch tại các tổ chức đã được cấp phép theo quy định.
Các mức xử phạt cụ thể khác sẽ do Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết theo nguyên tắc tại Điều 5: nếu có tình tiết tăng nặng, áp mức tối đa; nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, áp mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Ngoài phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa trong thời hạn từ 1 đến 24 tháng, buộc dừng quảng cáo, tiếp thị, hoặc buộc dừng cung cấp dịch vụ sẽ được áp dụng tùy theo mức độ vi phạm.
Cùng với đó, một số biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng như buộc cải chính thông tin sai lệch, buộc thu hồi tài sản hoặc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm, hoặc gỡ bỏ phần mềm, hệ thống vi phạm quy định.

Một số đồng tiền điện tử. (Ảnh: Reuters).
Cập nhật chế tài xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán
Dự thảo sửa đổi 27 điều và bổ sung 9 điều trong Nghị định 156/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi Nghị định 128/2021/NĐ-CP).
Một số nội dung nổi bật gồm: bổ sung hành vi vi phạm mới trong hoạt động chào bán, phát hành, công bố thông tin và quản trị công ty đại chúng; nâng mức phạt tiền với hành vi sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch chứng khoán lên tới 1,5 tỷ đồng với tổ chức; xử phạt hành vi lập hồ sơ đăng ký phát hành có thông tin sai sự thật từ 500 triệu đến 600 triệu đồng, hoặc 2–2,5 tỷ đồng nếu làm giả giấy tờ trong hồ sơ phát hành.
Cùng với đó là đình chỉ hoạt động môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ hoặc bảo lãnh phát hành trong thời gian từ 1–3 tháng nếu vi phạm các điều kiện cung cấp dịch vụ; tách riêng hành vi vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để quy định chế tài cụ thể hơn.
Từ khi Nghị định 156 có hiệu lực năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 2.142 quyết định xử phạt, với tổng số tiền phạt đạt 176,4 tỷ đồng.
Theo dự thảo mới, thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và tài sản mã hóa tiếp tục thuộc về Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chánh Thanh tra Ủy ban và Chủ tịch UBND cấp tỉnh tùy theo mức độ và tính chất vi phạm, trong đó mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân.
Điều chỉnh phù hợp với luật mới và định hướng chuyển đổi số
Dự thảo cũng cập nhật các quy định để đồng bộ với Luật Căn cước công dân 2023, Luật Phòng chống rửa tiền 2022 và Đề án 06 về chuyển đổi số. Chẳng hạn, cá nhân không cần nộp bản sao căn cước nếu đã đăng ký định danh điện tử trên ứng dụng VNeID; thay vào đó, thông tin sẽ được xác minh qua mã định danh.
Ngoài ra, nghị định cũng sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xác định mức phạt tại Điều 5 – quy định rõ cách tính phạt trong trường hợp có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, nhằm bảo đảm tính minh bạch và thống nhất trong áp dụng chế tài.