Thời sự

Bộ GTVT điểm tên hàng loạt dự án giao thông chậm giải ngân

Ngày 25/10, ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, tính đến hết tháng 10, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, số vốn ODA đã giải ngân được 2.991 tỷ đồng (đạt 61,3%), vốn trong nước giải ngân được 27.143 tỷ đồng, đạt 59,7% kế hoạch.

Kết quả giải ngân hết tháng 10 của Bộ GTVT vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước, nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra khoảng 655 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (66,1%).

Từ nay tới cuối năm, số vốn Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng (chiếm 40,1%).

Trong đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần giải ngân hơn 6.500 tỷ đồng (chủ yếu cho công tác GPMB); 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cần giải ngân khoảng gần 3.910 tỷ đồng; các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.494 tỷ đồng; Các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân gần 1.514 tỷ đồng. Nhóm các dự án giao thông còn lại cần giải ngân khoảng 5.470 tỷ đồng.

Phân nhóm các dự án giao thông có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu, ông Bùi Quang Thái cho biết, tính đến hết tháng 10, có 8 dự án chậm giải ngân do công tác GPMB và lựa chọn nhà thầu gồm: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Gia cố các hầm yếu và cải tạo tuyến đường sắt Vinh - Nha Trang; Dự án nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn; Dự án Cầu Rạch Miễu 2, Tân Vạn - Nhơn Trạch; dự án Kênh Chợ Gạo và dự án tuyến tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột.

9 dự án chậm giải ngân do tiến độ thi công gồm: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt; Tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau và nâng cấp QL1A qua tỉnh Sóc Trăng; dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án nâng cấp QL279B; dự án nâng cấp, cải tạo QL37; dự án nâng cấp, cải tạo QL21B (Chợ Dầu - Ba Đa); dự án nâng cấp QL15 qua Thanh Hóa.

11 dự án giải ngân chậm do hoàn chỉnh hồ sơ nội nghiệp gồm: Dự án nâng cấp QL53 qua Trà Vinh; dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm; dự án đường cất/ hạ cánh sân bay Nội Bài; dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong, đường cất/ hạ cánh Tân Sơn Nhất; dự án nâng cấp các cầu yếu và trụ chống va xô và Cát Linh - Hà Đông; Tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án nâng cấp QL24 qua Kon Tum, QL57 qua Bến Tre.

Trước áp lực giải ngân rất lớn của những tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh phải điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh, xử lý các tồn đọng trong công tác quyết toán các dự án để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn.  

Đối với nhóm các dự án đang triển khai, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đặc biệt tập trung thi công 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có kế hoạch về đích năm 2022. Trong đó, dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn phải thông xe, đưa vào khai thác ngay trong năm nay.

"Ba dự án thành phần còn lại phải thông xe kỹ thuật (thảm nhựa và lắp đặt dải phân cách).Dù là thông xe kỹ thuật cũng phải nghiêm túc thực hiện cẩn trọng, không lơ là công đoạn nào”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Đối với các dự án trọng điểm khác, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung với trách nhiệm cao nhất, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thủ tục, kịp thời báo cáo vướng mắc, làm rõ xin chủ trương thực hiện, đảm bảo khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 31/12 theo đúng yêu cầu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm