Thời sự

Bộ Giao thông Vận tải nêu lý do chưa nối thông dự án đường Hồ Chí Minh

 Một đoạn đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Báo đầu tư).

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km; trong đó ,tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: mặt cắt ngang quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 6 làn xe, đầu tư phân kỳ đến năm 2020, hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.  

Sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021  - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về tình hình triển khai thực hiện, đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 2.362km trong tổng số 2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km. Còn lại khoảng 171 km cần tiếp tục cân đối bố trí vốn để thực hiện.

Cụ thể, khu vực phía Bắc từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) đã hoàn thành 134 km trong tổng số 273 km. Khu vực miền Trung từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) đã hoàn thành 1.418 km trong tổng số 1.532 km. Khu vực Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) đã hoàn thành toàn bộ 553 km. Khu vực phía Nam từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) đã hoàn thành 257 km trong tổng số 386 km.

Đặc biệt giai đoạn này đã hoàn thành 2 cầu lớn Cao Lãnh và Vàm Cống xóa bỏ phà, kết nối thuận lợi giao thông đường bộ khu vực tứ giác Long Xuyên.

Lý giải nguyên nhân chưa hoàn thành nối thông đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, về nguyên nhân khách quan do xuất phát điểm của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta còn yếu kém; nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cần nguồn lực rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn chế.

Việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác khó khăn do tuyến đi qua khu vực có nhu cầu vận tải chưa cao, hiệu quả tài chính thấp, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2011 nên các dự án bị đình hoãn từ 2011 - 2015; giai đoạn 2016 - 2020 chỉ khởi động lại các dự án dở dang, chuyển tiếp (quy định Luật Đầu tư công chưa trả hết nợ đọng không được khởi công mới).

Đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án Đoan Hùng - Chợ Bến dự kiến đầu tư BOT nhưng do lưu lượng chưa cao, đã có các quốc lộ hiện hữu đi song hành (Quốc lộ 32, Quốc lộ 21) nên phương án tài chính không khả thi.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, do chưa đánh giá hết khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để đề xuất giải pháp xử lý kịp thời nhằm bố trí vốn ngân sách nhà nước, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng một số địa phương chậm dẫn đến kinh phí tăng, ảnh hưởng đến việc cân đối bố trí vốn cho các dự án mới.

Về giải pháp khắc phục, Bộ Giao thông Vận tải thông tin, tại Tờ trình số 157/TTr-CP ngày 5/5/2022, Chính phủ đã trình Quốc hội về mục tiêu và kế hoạch triển khai đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025:

Tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai và cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chưa đầu tư, tận dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21 để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe; hoàn thành khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh .

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại các Tổ (báo cáo số 1061/BC-TTKQH ngày 24/5/2022), Chính phủ đã có báo cáo số 5566/BC-BGTVT ngày 04/6/2022 tiếp thu về mục tiêu triển khai đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Đó là, giai đoạn đến năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai và cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận để đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở tận dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21.

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287km thuộc dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh  đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại các Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022.

Đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thực hiện chuẩn bị đầu tư ngay trong năm 2022-2023 theo quy mô cao tốc làm cơ sở huy động nguồn vốn, sớm đầu tư khi cân đối đủ nguồn lực.

Giai đoạn 2026 – 2030,  Bô Giao thông Vận tải sẽ thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Trên cơ sở quy hoạch, nhu cầu vận tải, hiệu quả, thực hiện đầu tư khoảng 634 km  đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, từ ngày 7-9/6, Quốc hội có phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng và ba bộ trưởng. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ sẽ trả lời chất vấn nội dung về tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước; thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm