Mới đây, cử tri tỉnh Phú Thọ cho rằng, chương trình đào tạo lái xe hiện hành có nhiều bất cập, không thực hiện được trong thực tế, như học nghiệp vụ sửa chữa xe, học cabin điện tử... Nếu triển khai đủ các nội dung này, chi phí đào tạo lái xe sẽ tăng cao. Do đó, cử tri Phú Thọ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ GTVT cho biết, đã đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật nửa cuối năm 2023, trong đó có sửa đổi một số nội dung liên quan tới đào tạo lái xe. Các quy định mới sẽ sửa đổi cả nội dung về lý thuyết và thực hành lái xe, dự kiến được ban hành vào tháng 12 năm nay.
Về chi phí đào tạo lái xe tăng cao, Bộ GTVT lý giải, hiện quy định về học phí đã được phân cấp, phân quyền quyết định cho các trung tâm đào tạo, căn cứ theo các tiêu chí về giáo viên, cơ sở vật chất, giá nhiên liệu… với sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo dự thảo thông tư sửa đổi quy định liên quan tới chương trình và thời gian học lái xe mô tô, xe máy và ô tô, về cách thức học lý thuyết, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án:
Phương án 1 , với các hạng bằng lái xe A1, A2, A3, A4, B1 phần học lý thuyết có thể thực hiện trực tuyến hoặc trực tiếp. Với hạng B2, C, D, E, F học lý thuyết tập trung.
Phương án 2 , học lý thuyết ở tất cả các hạng bằng các cơ sở được lựa chọn dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp, hoặc qua phần mềm trực tuyến. Kết quả học lý thuyết được bảo lưu 12 tháng.
Về điều kiện để học viên được xét cấp chứng chỉ nghề lái xe (một trong các điều kiện để được thi sát hạch cấp giấy phép lái xe), khi học viên dự học lý thuyết ít nhất 70% thời gian học. Với phần thực hành lái xe đạt đủ thời gian và tối thiểu 50% số kilômét trên sân tập lái, đủ số kilômét và tối thiểu 50% thời gian học thực hành trên đường; vượt qua kỳ sát hạch kết thúc môn học.
Về thời gian học, Bộ GTVT dự kiến giảm số giờ học cả lý thuyết và thực hành, nhưng vẫn giữ số kilômét tối thiểu phải được được. Cụ thể, với bằng lái ô tô hạng B1, B2, C, thời gian học pháp luật giao thông đường bộ là 80 giờ (giảm 10 giờ so với hiện hành); học cấu tạo và sửa chữa thông thường 8 giờ (giảm 10 giờ với người học B2, C, giữ nguyên với người học B1); nghiệp vụ vận tải 8 giờ (giảm 8 giờ so với hiện hành); học đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia 16 giờ với người học B1 và 22 giờ với B2, C (tăng 2 giờ so với hiện hành); học kỹ thuật lái xe 16 giờ với B1 số tự động (giảm 4 giờ so với hiện hành); học phần mềm mô phỏng 4 giờ như hiện hành.
Với học thực hành, tổng số giờ học để thi bằng B1 số tự động là 68 giờ, B1 số sàn và B2 là 84 giờ, bằng C là 94 giờ. Trong đó, thời gian học trên sân tập giữ như hiện hành, tăng thời gian học thực hành trên đường thêm 1 giờ cho mỗi hạng bằng (bằng B1 số tự động là 25 giờ, B1 số sàn và B2 là 41 giờ, C là 49 giờ). Thời gian học thực hành trên ca bin học lái 2 giờ (giảm 1 giờ).
Với những đề xuất điều chỉnh trên, tổng thời gian đào tạo B1 số tự động giảm còn 192 giờ (giảm 12 giờ), B1 số sàn là 212 giờ (giảm 8 giờ), B2 là 226 giờ (giảm 26 giờ), C là 236 giờ (giảm 26 giờ).
Dù vậy, kilômét thực hành tối thiểu học viên phải đạt được với học bằng B1 số tự động là 1.000km, bằng B1 số sàn, B2 và C là 1.100km.
Bên cạnh đó, thời gian tới, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải kết nối và chia sẻ trực tiếp dữ liệu giám sát (camera giám sát) học và thi lái xe với Sở GTVT các địa phương, Cục Đường bộ. Phần mềm của Cục Đường bộ sẽ bổ sung chức năng tự động phân tích dữ liệu để phát hiện, cảnh báo trường hợp có dấu hiệu gian lận.