Vài ngày trước, ông Trần – bố chồng tôi – nhận được một cuộc điện thoại từ bạn học cũ, mời ông tham dự buổi họp lớp nhân dịp kỷ niệm 40 năm tốt nghiệp. Dù đã hơn 60 tuổi, ông vẫn rất hào hứng với những dịp như thế này. Từ chiều hôm đó, ông đã đi cắt tóc, ủi lại bộ vest cũ, liên tục soi gương và còn hỏi mẹ chồng tôi xem nên mang giày nào cho “lịch sự, trẻ trung”.
Tôi nhìn thấy niềm vui ánh lên trong mắt ông, có phần hồn nhiên như một đứa trẻ sắp được về lại những tháng năm tuổi trẻ. Ông thường nói với tôi rằng, mỗi lần họp lớp là một lần “trở về”, được sống lại thời vô ưu khi còn là sinh viên nghèo nhưng đầy ước mơ.
Chiều hôm sau, ông rời nhà khá sớm, tay cầm theo hộp quà mà ông bảo “chuẩn bị cho bạn cũ”. Mẹ chồng tôi có hơi thắc mắc nhưng ông chỉ cười: “Bà không cần lo đâu. Lâu lâu mới gặp bạn bè, không thể tay không được.”

Ảnh minh hoạ
Khoảng hơn 9 giờ tối, ông trở về. Tôi để ý ông trầm ngâm khác thường, không còn vẻ hào hứng ban chiều. Ông lẳng lặng về phòng, tay ôm theo một chiếc túi giấy màu đỏ sẫm. Khi mẹ chồng tôi hỏi: “Buổi họp lớp vui không?” – ông chỉ ậm ừ rồi né tránh ánh mắt.
Sáng hôm sau, khi ông ra ngoài mua đồ ăn sáng, tôi vô tình đi ngang phòng và thấy chiếc túi đỏ ông mang về vẫn đặt trên bàn. Tò mò, tôi liếc nhìn vào và thấy bên trong là một chiếc vòng vàng, sáng loáng, đính đá lấp lánh. Đính kèm còn có giấy chứng nhận – ghi rõ: Giá: 28.000 tệ (~100 triệu đồng).
Mẹ chồng tôi sau đó cũng phát hiện. Khuôn mặt bà biến sắc. Bà ngồi phịch xuống ghế, không nói nên lời trong vài phút. Đến khi trấn tĩnh lại, bà nói: “Ông ấy có thể vì một cái vòng mà tiêu hết chỗ tiền tiết kiệm dưỡng già sao?”
Tôi quyết định chờ ông về để hỏi rõ mọi chuyện. Khi ông vừa bước vào nhà, tôi nhẹ nhàng nói: “Bố, cái vòng hôm qua bố mang về… là mua thật ạ?”
Ông gật đầu, có chút bối rối. Ông nói: “Họp lớp mà con. Ai cũng có một chiếc để làm kỷ niệm. Bố không muốn tụt lại. Với lại, thầy cũ cũng khuyên ai có điều kiện thì nên mua, sau này giữ làm vật lưu niệm.”

Ảnh minh hoạ
Tôi lặng đi vài giây, rồi mở ngăn kéo, lấy ra sổ tiết kiệm mà vợ chồng tôi và ông bà vẫn chung tay góp mỗi tháng. Tôi chỉ vào con số còn lại, 28.000 tệ.
“Bố à, cái vòng kia gần 100 triệu. Nếu con không kiểm soát chi tiêu sát sao thì có lẽ giờ sổ này đã rỗng.”
Ông ngẩn người. Mẹ chồng tôi cũng lặng lẽ lau nước mắt. Không ai trách móc, nhưng tôi thấy rõ sự xấu hổ trong ánh mắt ông.
Tối hôm đó, khi chúng tôi ngồi nói chuyện, tôi kể cho ông nghe một câu chuyện tài chính tôi từng đọc: Có những người nghỉ hưu vẫn mang nợ vì liên tục mua sắm theo cảm xúc. Họ nghĩ “mình xứng đáng được thưởng”, nhưng quên mất rằng thu nhập đã không còn ổn định. Càng lớn tuổi, càng cần chi tiêu thông minh và có kế hoạch.
Tôi nói với ông: “Bố, không ai ép bố phải chứng tỏ điều gì trong những buổi họp lớp. Người yêu quý bố thật sự, họ sẽ nhớ những ký ức cùng bố – chứ không phải một chiếc vòng vàng lấp lánh.”
Ông gật đầu. Hôm sau, ông mang chiếc vòng đến tiệm để hỏi có thể hoàn lại không. Dù bị trừ phí, nhưng ít nhất ông vẫn lấy lại được phần lớn số tiền. Cũng từ hôm ấy, ông chủ động hỏi vợ chồng tôi cách ghi sổ chi tiêu, cách lập ngân sách cá nhân.
Kể lại câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói với bạn một điều: Sĩ diện là khoản chi đắt nhất mà bạn có thể phải trả nếu không tỉnh táo.
Hãy tiêu tiền bằng lý trí, không phải bằng cảm xúc. Dù bạn già hay trẻ, giàu hay nghèo – thì một quyết định tài chính sai lầm vẫn có thể khiến cả gia đình chao đảo.
Theo Toutiao