Quản trị

Bloomberg: VNG muốn trở thành công ty công nghệ toàn cầu với mũi nhọn là ngành game

Mới đây, hãng tin Bloomberg cho biết nhà đồng sáng lập Lê Hồng Minh của VNG Corp, một trong 4 kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) của Việt Nam xác nhận rằng game vẫn là mũi nhọn của công ty, song VNG cũng đang tìm cách mở rộng doanh thu trên toàn cầu từ các sản phẩm trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.

Thành công của một công ty công nghệ như VNG ở nước ngoài sẽ là một cột mốc quan trọng đối với Việt Nam, vốn trước đây được biết tới là một nước nông nghiệp. Là một phần trong kế hoạch tăng trưởng của mình, VNG đã thực hiện các bước đi để đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch. Công ty cũng được cho là đang để mắt đến việc niêm yết tại Mỹ, điều mà ông Minh không trực tiếp xác nhận.

Ông Lê Hồng Minh cho biết VNG muốn trở thành công ty công nghệ toàn cầu. (Ảnh: Bloomberg).

“Chúng tôi muốn trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải hoạt động chung một sân chơi cũng như tiếp cận cơ sở nhà đầu tư tốt nhất và cũng là những người khắt khe nhất trên thế giới”, ông Minh chia sẻ.

VNG đã nổi lên như một trong những công ty khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam. Nếu IPO thành công tại Mỹ, VNG sẽ trở thành công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên làm được điều này.

Game vẫn là lĩnh vực mũi nhọn 

VNGGames, bộ phận kinh doanh game của công ty, là chìa khóa để VNG mở rộng ra toàn cầu, theo ông Minh. VNGGames có người dùng ở hơn 130 quốc gia và dự kiến ​​sẽ có 320 triệu khách hàng trên toàn cầu vào năm 2023, theo trang web của đơn vị. VNG có 7 văn phòng ở nước ngoài, bao gồm ở Bắc Kinh, Đài Bắc và Bangkok.

Tiền thân là Vinagame, VNG bắt đầu hoạt động với tư cách là nhà phát hành trò chơi vào năm 2004. Công ty phát triển và phát hành các tựa game của riêng mình, cũng như các phiên bản trong nước của các tựa game quốc tế nổi tiếng. VNG cũng dần dần mở rộng sang nhiều loại dịch vụ như chia sẻ nhạc, truyền phát video, nhắn tin và thanh toán di động.

Game là ngành mũi nhọn của VNG. (Ảnh: Bloomberg).

Ứng dụng nhắn tin của VNG là Zalo đã tạo ra bước thành công đột phá, vượt qua Facebook Messenger của gã khổng lồ Meta vào năm 2020 tại Việt Nam. Ông Minh cho biết Zalo đã chinh phục người dùng bằng cách cho phép họ gửi hình ảnh chất lượng cao hơn và kết hợp các tính năng phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Zalo đã trở thành một ứng dụng được dùng rộng rãi tại Việt Nam. Ứng dụng có 74,7 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 2, trong khi con số tương tự của Messenger là 67,8 triệu người, theo Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Chúng tôi tự hào về việc chúng tôi đã cạnh tranh công khai với những người giỏi nhất thế giới. Chúng tôi có thể xây dựng một sản phẩm được người dùng đón nhận nhờ chất lượng của sản phẩm và khả năng thấu hiểu người dùng”, lãnh đạo VNG chia sẻ.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm thành công ở nước ngoài sẽ không dễ dàng. Những nhà phát hành game hàng đầu thế giới như Tencent và Activision Blizzard Inc. có ngân sách phát triển và tiếp thị hàng tỷ USD, cũng như sở hữu các tựa game nổi tiếng toàn cầu.

Bên cạnh đó, các ứng dụng của Mỹ từ Facebook và Instagram đến Twitter và YouTube đã thống trị thị trường truyền thông xã hội quốc tế, khiến TikTok trở thành câu chuyện thành công hiếm hoi của một ứng dụng truyền thông mạng xã hội châu Á trên thị trường toàn cầu.

Alec Tseung, một đối tác của KT Capital Group, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Hong Kong tập trung vào khu vực Đông Nam á, cho biết: “VNG nên thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhiều hơn vì sự tương đồng của họ với gã khổng lồ Tencent của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông cho biết VNG thiếu một số lợi thế so với đối tác khổng lồ từ Trung Quốc. Ông nói: “Sự thống trị trong nước của Tencent phần lớn nhờ vào môi trường pháp lý ở Trung Quốc, thứ mà VNG không có”.

IPO có thể là cột mốc quan trọng của VNG

Việc IPO thành công có thể tiếp thêm sức mạnh cho nỗ lực của VNG. Được định giá ở mức 2,2 tỷ USD đến 2,5 tỷ USD khoảng một năm trước, theo Bloomberg, VNG cũng có những nhà đầu tư hàng đầu như Tencent, và các quỹ đầu tư nhà nước Singapore như GIC Pte và Temasek Holdings Pte.

VNG đã cân nhắc về kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ ít nhất là từ năm 2017. Vào tháng 7, hãng truyền thông IFR đưa tin rằng công ty đang lên kế hoạch IPO tại Mỹ với giá trị khoảng 500 triệu USD bằng cách niêm yết khoảng 12,5% vốn cổ phần vào cuối năm nay. VNG từ chối bình luận về kế hoạch IPO tại Mỹ.

VNG chuẩn bị đưa cổ phiếu lên UPCoM. (Ảnh: Vir). 

Tại Việt Nam, VNG cũng đã công bố thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký lưu trú tập trung. Cụ thể, CTCP VNG (VNG) có trụ sở chính tại Z06 Đường số 13, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP HCM đã đưa ra thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký vào 17h chiều 28/11.

Mục đích của việc chốt danh sách cổ đông được VNG thông báo là để thực hiện đăng ký lưu ký tập trung, phục vụ việc đăng ký giao dịch cổ phiếu của Công ty trên sàn giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) tại Sở Giao dịch chứng khoán.

Ông Minh chia sẻ rằng bản thân lấy cảm hứng từ Thung lũng Silicon và đang tìm cách nhân rộng văn hóa làm việc trong khuôn viên văn phòng của VNG. Ông Minh coi VNG, đơn vị được thành lập vào thời điểm chỉ một phần nhỏ dân số Việt Nam có thể truy cập internet, là chất xúc tác cho văn hóa khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của nước nhà.

Theo một báo cáo của Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Việt Nam trong năm 2021 đã thu hút các khoản đầu tư mạo hiểm cao kỷ lục với hơn 1,4 tỷ USD vào 165 giao dịch, tăng từ mức 451 triệu USD vào 105 giao trong năm 2020.

“Trong tương lai, Việt Nam sẽ không chỉ nổi tiếng với cà phê và sản xuất. Chúng tôi có thể xây dựng năng lực, con người và cung cấp dịch vụ cho ngành công nghệ toàn cầu”, ông Minh nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm