Thống đốc NHTW xin từ chức
Nguồn tin của Bloomberg cho biết, Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina đã xin từ chức sau khi Nga tấn công Ukraine, nhưng bị Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu ở lại.
5 điều ít biết về người phụ nữ quyền lực đứng đầu ngân hàng trung ương Nga
Bà Nabiullina vừa được đề cử giữ thêm một nhiệm kỳ 5 năm mới vào tuần trước. Cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đã nhanh chóng thổi bay những thành tựu mà bà gầy dựng trong 9 năm kể từ khi nhậm chức. Giờ đây, vị thống đốc được giao trọng trách giải quyết hậu quả từ chiến sự.
Bà Nabiullina đã làm việc dưới quyền ông Putin trong gần 20 năm. Những người thông thạo tình hình nội bộ nói rằng việc bà Nabiullina rời đi vào lúc này sẽ bị ông Putin coi là sự phản bội.
Tính đến nay mới chỉ có một quan chức cấp cao của Nga buông bỏ chức vụ vì cuộc chiến. Nhà cải cách kinh tế lâu năm Anatoly Chubais đã từ chức đặc phái viên khí hậu của ông Putin và rời khỏi Nga, nguồn tin của Bloomberg thuật lại.
Bà Nabiullina là người được giới đầu tư tin tưởng và được các ấn phẩm bao gồm Euromoney và The Banker ca ngợi là một trong những nhà hoạch định chính sách tiền tệ giỏi nhất thế giới. Giờ bà phải đối mặt với một nền kinh tế bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt quốc tế và thiếu hụt đầu tư do doanh nghiệp ngoại rời đi.
Khi đồng ruble lao dốc bởi những lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ và các đồng minh, vị thống đốc đã tăng lãi suất lên gấp hơn hai lần và áp đặt kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng tiền tháo chạy.
Ngân hàng trung ương Nga phải từ bỏ việc can thiệp để bảo vệ đồng ruble sau khi kho dự trữ ngoại hối trị giá 643 tỷ USD của nước này bị đóng băng bởi các lệnh hạn chế quốc tế.
Vô vọng
Một số quan chức ngân hàng trung ương Nga đã chia sẻ về tình cảnh vô vọng của cơ quan này trong vài tuần sau khi quân Nga tiến vào Ukraine. Họ cảm thấy bị mắc kẹt trong một thể chế mà e là sẽ không còn cần đến các kỹ năng và kinh nghiệm định hướng thị trường của họ khi Nga bị cô lập khỏi thế giới.
Có thời điểm tốc độ nhân sự rời đi cao đến mức phòng IT không có đủ người để đóng tài khoản. Các bộ phận khác ngập trong khối lượng công việc nặng nề hơn thường ngày, khi nhận được vô số đơn xin việc từ nhân viên tại các ngân hàng bị phương Tây trừng phạt.
Trước khi Nga khai chiến, các quan chức đã vạch ra những kịch bản có khả năng xảy ra, bao gồm việc Moscow bị cắt khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Trong đó, các nhà hoạch định chính sách cho rằng khả năng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga bị trừng phạt là tàn khốc đến mức không thể tưởng tượng nổi.
Trong tháng 3, Tổng thống Putin khẳng định ông tin tưởng rằng Nga sẽ vượt qua khó khăn kinh tế hiện thời và trở nên độc lập hơn. Ông lấy dẫn chứng: "Liên bang Xô Viết đã sống dưới các lệnh trừng phạt, phát triển và đạt được những thành công to lớn".
Trong bản tuyên bố ngắn ngày 18/3, bà Nabiullina đã hoãn mục tiêu đạt tỷ lệ lạm phát 4% cho đến 2024 và cảnh báo nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy giảm và chấn động không rõ hồi kết. Trái với thường lệ, bà không để phóng viên đặt câu hỏi sau cuộc họp lãi suất.
Các nhà kinh tế dự đoán GDP của Nga sẽ giảm hàng chục % trong năm nay, đồng ruble sụp đổ và tình trạng thiếu hụt hàng hóa sẽ đẩy lạm phát lên tới 25%. Lần cuối cùng lạm phát tăng nóng đến vậy là khi chính phủ Nga vỡ nợ năm 1998.
Cộng sự thân thiết
Dưới sự lãnh đạo của bà Nabiullina, ngân hàng trung ương Nga đã tích lũy được kho dự trữ ngoại tệ và vàng có quy mô thuộc top đầu thế giới và kéo lạm phát xuống mức thấp nhất trong lịch sử hậu Xô Viết.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hồi năm 2018 đã ca ngợi rằng bà Nabiullina có những phẩm chất giống như một nhạc trưởng vĩ đại.
Nhà đầu tư ngoại đổ hàng tỷ USD vào nợ chính phủ Nga. Ông Putin tin tưởng, lắng nghe ý kiến và bảo vệ chính sách tiền tệ thắt chặt của bà Nabiullina trước các quan chức chính phủ khác. Nhưng phần lớn công lao của bà đã bị xóa sạch chỉ vài giờ sau khi các lệnh trừng phạt bao vây kinh tế Nga.
Việc tăng lãi suất khẩn cấp và các hạn chế đối với giao dịch ngoại hối không giải quyết được rắc rối trong ngành ngân hàng mà chỉ tạm thời kìm nén chúng. Nguy cơ vỡ nợ đang đeo bám chính phủ và doanh nghiệp Nga.
Ông Sergei Guriev, giáo sư kinh tế tại viện Sciences Po Paris nhận xét: "Đã không còn hy vọng nào để ngân hàng trung ương Nga quay lại các chính sách cũ". Ông Guriev tháo chạy tới Paris vào năm 2013 và đã biết bà Nabiullina trong 15 năm.
Ông Guriev nhận định: "Khi nhậm chức, Nabiullina chưa bao giờ tưởng tượng được rằng mình sẽ phải lèo lái kinh tế trong thời chiến. Bà ấy không phải kiểu người có thể xoay xở với một thị trường tài chính bị cô lập và các lệnh trừng phạt thảm khốc".