Khi mọi người mong chờ một cú hạ cánh nhẹ nhàng, họ cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cú va chạm. Một mùa hè mà lạm phát có xu hướng giảm xuống, việc làm dồi dào và người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu đã củng cố niềm tin, đặc biệt là tại FED, rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tránh được suy thoái.
Một thỏa thuận vào phút chót nhằm tránh việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời đẩy lui rủi ro trước mắt nhưng không có nghĩa đã xóa bỏ hoàn toàn trong tương lai. Chỉ trong 45 ngày nữa, khi thỏa thuận chi tiêu tạm thời hết hiệu lực, nước Mỹ lại phải tìm ra tiếng nói chung để ngăn Chính phủ phải đóng cửa – yếu tố có thể dễ dàng lấy đi 1 điểm phần trăm khỏi mức tăng trưởng GDP trong quý IV.
Trong khi đó, đình công ở ngành ô tô cũng trở thành nỗi lo với nước Mỹ. Những cú sốc khác cũng đang trực chờ, từ việc suy giảm tiết kiệm đến lãi suất cao, giờ đây là giá dầu tăng cao….
Chuỗi tác động dây chuyền này đủ để đẩy nước Mỹ vào suy thoái ngay trong năm nay. Và đây là những lý do khiến Bloomberg Economics tin rằng suy thoái kinh tế vẫn ám ảnh nước Mỹ.
Tung hô “hạ cánh mềm” luôn đạt đỉnh ngay trước suy thoái
“Rất có thể, nền kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng”, Chủ tịch FED San Francisco thời điểm đó, bà Janet Yellen, nói vào tháng 10/2007 – chỉ 2 tháng trước khi suy thoái kinh tế bắt đầu. Không chỉ có bà Yellen, người sau này trở thành Chủ tịch FED và hiện đang là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, tỏ ra lạc quan khi đó. Và có một điểm chung, khi sự đồng thuận về hạ cánh mềm thường đạt đỉnh điểm ngay trước khi nền kinh tế suy thoái.
Biểu đồ dưới đây cho thấy mật độ xuất hiện của “hạ cánh mềm” trên báo chí, truyền thông và thời điểm xảy ra suy thoái trong vài thập niên trở lại đây.
Lãi suất của FED có tác động mạnh
Milton Friedman có câu nói nổi tiếng: “Chính sách tiền tệ vận hành với một độ trễ kéo dài và nhiều biến số”. Biến số có thể không chỉ đề cập đến sự khác biệt giữa cuộc suy thoái này với cuộc suy thoái khác mà còn liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế trong một chu kỳ.
Những người lạc quan về hạ cánh mềm chỉ ra rằng chứng khoán đã có một năm tốt đẹp, ngành sản xuất đã chạm đáy còn giá nhà ở đang tăng trở lại. Vấn đề ở chỗ đây là những lĩnh vực có độ trễ “ngắn nhất” với chính sách tiền tệ của FED.
Điều đó có nghĩa là mức tăng lãi suất của FED chỉ có thể được nền kinh tế cảm nhận rõ nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Như vậy, còn quá sớm để nói rằng nền kinh tế Mỹ đã vượt bão thành công.
Trong khi đó, chính FED cũng để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2023 và giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài.
Những cú sốc liên tiếp
Đình công ngành ô tô: Liên đoàn Công nhân ngành ô tô của Mỹ đã lần đầu tiên kêu gọi đình công tại 3 công ty ô tô lớn nhất của nước Mỹ. Đây là lần đầu tiên Big Three phải đối mặt với tình cảnh này. Tính tới cuối tuần trước, có khoảng 25.000 công nhân tham gia đình công và có thể gây ra hậu quả tồi tệ nếu kéo dài. Năm 1998, việc 9.200 công nhân đình công trong 54 ngày tại GM đã khiến 150.000 người mất việc làm.
Nợ sinh viên: Trong khi đó, hàng triệu người Mỹ sẽ nhận hóa đơn, yêu cầu thanh toán các khoản nợ sinh viên kể từ tháng này sau khi việc đình chỉ trả nợ, kéo dài 3,5 năm do đại dịch, đã hết hạn. Việc này có thể làm giàm 0,2-0,3% mức tăng trưởng hàng năm trong quý 4.
Giá dầu đang tăng vọt , ảnh hưởng đến mọi hộ gia đình. Hiện tại, dầu đã bị đẩy lên trên 95 USD/thùng, cao hơn tới 25 USD so với đáy mùa hè vừa qua.
Đường cong lợi suất : Đợt bán tháo trong tháng 9 đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ lên mức cao nhất trong 16 năm là 4,6%. Chi phí đi vay cao hơn trong thơi figan dài đã khiến thị trường chứng khoán suy giảm. Điều này cũng có thể gây rủi ro cho việc phục hồi của thị trường nhà ở và ngăn các các công ty chi tiền đầu tư.
Kinh tế toàn cầu gặp khó : Việc hầu hết các nền kinh tế trên khắp thế giới đều đang gặp khó có thể tác động không nhỏ tới kinh tế Mỹ. Trung Quốc tăng trưởng chậm, Euro zone đối mặt nhiều thách thức… đều có thể gây tác động tới nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính phủ đóng cửa: Thỏa thuận 45 ngày nằm giữ cho Chính phủ Mỹ không phải đóng cửa ngay lập tức để lại mộ rủi ro khác, dự kiến gây áp lực lên nền kinh tế Mỹ từ tháng 10 đến tháng 11. Nếu các nhà lập pháp Mỹ không thể tìm được tiếng nói chung, việc chính phủ Mỹ đóng cửa trong trung tuần tháng 11 có thể gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều cho GDP quý IV của Mỹ.
Bloomberg Economics ước tính cứ mỗi tuần ngừng hoạt động sẽ làm giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm khỏi tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ. Trong khi đó, chỉ phần lớn, chứ không phải tất cả, sẽ được phục hồi sau khi chính phủ mở cửa trở lại.
Tham khảo: Bloomberg