Công nghệ

Blockchain không nên được "thần thánh hoá"

Mở đầu phiên thảo luận về blockhain của Leader Talks - chuỗi toạ đàm trong chương trình CTO Summit 2022 do VnExpress tổ chức, ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập KardiaChain cho rằng hiểu một cách đơn giản, blockchain là một công nghệ tương tự AI, điện toán đám mây hay Internet. Ứng dụng nổi tiếng nhất của công nghệ này là tiền mã hóa, nhưng cũng đã được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác từ bất động sản đến giải trí, giáo dục, logistics... Tuy nhiên khi ứng dụng vào đời sống, cần cân nhắc dựa trên nhu cầu thực tế vì không phải cứ blockchain là có thể sinh lời tức thì.

Không nên ảo tưởng về sức mạnh của blockchain

Theo ông Cris Duy Trần, đồng sáng lập FAM Central kiêm Giám đốc Quỹ khởi nghiệp quốc gia, blockchain đang nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng nhưng nên tránh "thần thánh hóa" công nghệ này. "Blockchain cũng chỉ có thể giải quyết một số bài toán trong những vấn đề cụ thể. Khi bắt đầu tiếp cận công nghệ, người dùng phải đặt ra câu hỏi liệu blockchain có phù hợp để áp dụng vào một quy trình hoặc toàn bộ hoạt động của công ty. Không phải ứng dụng blockchain nào cũng có thể sinh lời", đồng sáng lập FAM Central lưu ý.

Ông Huy Nguyễn (trái) và ông Cris Duy Trần (phải) trong buổi Tọa đàm về xu hướng blockchain 2022 diễn ra ngày 22/3 trên VnExpress.

Ông Huy Nguyễn (trái) và ông Cris Duy Trần trong tọa đàm về xu hướng blockchain 2022 diễn ra ngày 22/3 trên VnExpress.

Cả hai diễn giả đều nhận định blockchain đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc. Các doanh nghiệp phải xây dựng sản phẩm phù hợp, trải qua nhiều vòng nghiên cứu, làm sản phẩm. Hiện tại, blockchain chưa đủ chín muồi đến độ "mì ăn liền" để các doanh nghiệp có thể đặt hàng về chỉnh sửa và sử dụng giống một số công nghệ đã phát triển nhiều năm như AI hay các bộ công cụ chuyển đổi số.

"Khi tiếp cận blockchain, mọi người phải nhớ rằng công nghệ này không phải cây đũa thần có thể giải quyết mọi vấn đề của doanh nghiệp, xã hội. Chúng ta cần thời gian để hiểu công nghệ và lắng nghe xem chỗ nào cần đưa blockchain vào. Những công ty lớn ở Thung lũng Silicon đã nghiên cứu những vấn đề này nhiều năm và chúng ta cũng phải thật sự nghiêm túc trong việc lựa chọn ứng dụng công nghệ cho phù hợp", ông Huy nói.

Cơ hội của blockchain Việt Nam

Ông Cris cho rằng trong năm 2021, blockchain Việt đã thành công rực rỡ trên thị trường toàn cầu, với nhiều công ty trở thành biểu tượng trong một số lĩnh vực. "Dự đoán 2022 sẽ là năm tương đối thú vị cả về mặt sản phẩm lẫn thị trường cho blockchain Việt. Nhiều tập đoàn lớn đang rục rịch đưa công nghệ này vào hoạt động kinh doanh. Tôi hy vọng bán lẻ và giải trí sẽ là hai ngành có nhiều dịch chuyển nhanh trong năm nay", ông nói.

Còn theo ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập KardiaChain, trước đây Việt Nam thường chậm chân trong lĩnh vực công nghệ do không có một biểu tượng đi trước để lèo lái. Nhưng trong lĩnh vực blockchain, Việt Nam đang có nhiều sản phẩm tầm quốc tế, gây được tiếng vang trên thị trường. Những công ty thành công không chỉ có ý nghĩa riêng với họ mà còn trở thành nguồn cảm hứng, truyền động lực thúc đẩy cả cộng đồng cùng đi lên.

Tuy nhiên các diễn giả của Leader Talks cho rằng việc quá nhiều công ty blockchain xuất hiện trong một thời gian ngắn cũng không hẳn tín hiệu tốt với Việt Nam. Việc các dự án quá nhiều trong khi nguồn cung nhân sự bị hạn chế sẽ dẫn đến việc sản phẩm mất đi sự chỉn chu, chất lượng. Khi ra thị trường quốc tế, những sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến mặt bằng chung của cả ngành blockchain Việt Nam.

Theo ông Huy Nguyễn, nhân sự trong lĩnh vực công nghệ vốn không bao giờ đủ, trong lĩnh vực mới như blockchain lại càng hiếm hơn. "Nếu theo công thức một quốc gia cần 1% dân số để phát triển những ngành mới, Việt Nam phải cần ít nhất một triệu nhân lực. Tuy nhiên trên thực tế mới chỉ đáp ứng được 1-2% nhu cầu của thị trường. May mắn là chúng ta đã nhìn ra vấn đề, sớm có các chương trình đào tạo, phổ cập blockchain. So với toàn cầu, Việt Nam không hề đi sau, thậm chí còn đang đi trước so với một số khu vực", ông Huy cho biết.

Rào cản để blockchain phát triển

Theo đồng sáng lập KardiaChain, ngoài những vấn đề về nhân sự, hành lang pháp lý, một rào cản lớn để blockchain có thể len lỏi khắp mọi ngóc ngách cuộc sống là chi phí cho công nghệ này đang quá đắt.

Ông Huy cho biết nhiều công ty, lãnh đạo công nghệ đã nhìn thấy tiềm năng của blockchain, nếu đưa công nghệ này vào doanh nghiệp có thể tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng. Nhưng cuối cùng, họ vẫn không thể làm vì chi phí đầu tư cho blockchain quá lớn.

"Một trong những lý do khiến giá sản phẩm liên quan đến blockchain rất cao vì đây là ngành mới. Chỉ riêng vấn đề nhân sự đã rất đắt đỏ khiến sản phẩm đầu ra bị đội giá lên quá cao. Do đó, đầu tư về nhân sự là một trong những vấn đề chủ lực cần giải quyết. Có thể trong khoảng 3-5 năm nữa, chi phí cho các sản phẩm blockchain sẽ rẻ hơn, doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn", ông Huy nói.

Tọa đàm về xu hướng blockchain 2022. Video: Hoàng Thanh

Theo các chuyên gia, để tối ưu hóa chi phí, doanh nghiệp có thể tuỳ theo nhu cầu của mình để chọn mạng blockchain phù hợp. Doanh nghiệp lớn có thể dùng "private blockchain" (mạng blockchain nội bộ) để lưu trữ dữ liệu, tuy nhiên chi phí sẽ cao. Trong khi đó vẫn có những "public blockchain" cho phép dùng miễn phí, phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ, start-up. Một số khác cân bằng giữa bảo mật và chi phí bằng cách dùng "hybrid blockchain".

Theo ông Huy Nguyễn, người dùng hiện tại đã có nhiều lựa chọn trong việc tiếp cận công nghệ mới. Nhưng việc bình dân hóa blockchain trong tương lai là bắt buộc. "Có nhiều cách để rẻ hóa công nghệ, ví dụ Kardiachain không thu tiền người dùng mà tìm kiếm lợi nhuận bằng cách mang các ứng dụng khác đến tương tự mô hình của Android, iOS đang làm. Mục tiêu của những công ty như KardiaChain khi quay về Việt Nam là mong muốn có thể xây dựng một mạng blockchain quốc dân để tất cả doanh nghiệp Việt có thể dùng được với giá rẻ. Vì vậy trong tương lai, chắc chắn blockchain sẽ dễ tiếp cận hơn với mọi người khi chi phí giảm đi đáng kể", ông Huy nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm