Tài chính

Bitcoin tiêu tốn điện như một quốc gia, thải khí độc như nhà máy?

Bitcoin - đồng tiền số "ngốn" điện

Bitcoin không chỉ gây chú ý bởi giá trị tài chính mà còn bởi lượng năng lượng khổng lồ mà nó tiêu tốn. Trái tim công nghệ của bitcoin - cơ chế Proof of Work (PoW) - yêu cầu các thợ đào dùng máy tính công suất lớn để giải bài toán mật mã. Ai giải xong trước sẽ xác thực khối giao dịch mới và nhận phần thưởng là Bitcoin.

Khi bitcoin mới ra đời, máy tính cá nhân cũng đủ sức tham gia. Nhưng càng nhiều người đổ vào khai thác, độ khó càng tăng, buộc các "trang trại đào" phải đầu tư hàng ngàn máy ASIC chuyên dụng để duy trì tốc độ giải thuật toán. Điều đó khiến mức tiêu thụ điện tăng vọt.

Tính đến năm 2018, mức điện năng mà mạng lưới bitcoin tiêu thụ tương đương cả quốc gia Nigeria hoặc Đan Mạch. Một giao dịch bitcoin đơn lẻ có thể tiêu tốn hơn 1.100 kWh - bằng lượng điện một hộ gia đình Mỹ dùng trong hơn một tháng.

Bitcoin tiêu tốn điện như một quốc gia, thải khí độc như nhà máy? - 1

Bitcoin bị tố gây tốn điện như một quốc gia, thải khí như một nhà máy và tạo ra núi rác điện tử và xem là "thủ phạm" gây tổn hại môi trường (Ảnh: Getty).

Không chỉ tiêu tốn điện, bitcoin còn bị cáo buộc gây hại môi trường trên 4 mặt trận:

Phát thải CO2: Đa phần năng lượng khai thác Bitcoin vẫn đến từ điện than hoặc khí đốt - vốn phát thải mạnh. Ước tính, có thời điểm tới 90% điện dùng để đào Bitcoin đến từ nhiên liệu hóa thạch.

Ngốn nước làm mát: Các máy đào tỏa nhiệt mạnh nên cần hệ thống làm mát công suất lớn, tiêu thụ hàng chục ngàn lít nước mỗi giao dịch.

Tạo rác thải điện tử: Máy đào lỗi thời nhanh chóng, thường bị thay sau 1-2 năm. Hậu quả là hàng ngàn tấn rác điện tử độc hại được thải ra.

Chiếm dụng điện quy mô lớn: Tổng điện năng tiêu thụ của mạng lưới bitcoin nhiều lúc ngang với cả một quốc gia quy mô vừa.

Một ví dụ điển hình là mỗi giao dịch bitcoin được cho là tạo ra 620kg CO2, nhiều gấp hàng triệu lần giao dịch thẻ VISA. Việc đào bitcoin cũng được cho là gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn cả ngành khai thác vàng.

Ngay cả các công ty từng ủng hộ bitcoin cũng phải dè dặt. Tesla từng dừng chấp nhận thanh toán bằng bitcoin năm 2021, viện dẫn lo ngại về môi trường. Trong khi đó, ethereum, đồng tiền số lớn thứ 2, đã chuyển sang cơ chế Proof-of-Stake (PoS) từ năm 2022 để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.

Giới bitcoin phản pháo, bitcoin đang "xanh hóa"?

Tuy nhiên, cộng đồng bitcoin không ngồi yên. Họ chỉ trích nhiều nghiên cứu "gây sốc" là lỗi thời và thiếu chính xác. Theo Viện Tài sản Kỹ thuật số (DARI), một nghiên cứu từ năm 2018 đã bị trích dẫn sai đến hàng nghìn lần đến tận năm 2024, trong khi chỉ 2% bài viết phản ánh đúng thực tế.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng các so sánh giữa bitcoin và VISA là khập khiễng: Visa chỉ xử lý giao dịch, còn bitcoin xử lý cả phần lưu trữ và xác minh mà không cần trung gian.

Thay vì chỉ phản đối, ngành khai thác bitcoin cũng có những nỗ lực đáng ghi nhận:

Chuyển sang năng lượng tái tạo: Nhiều mỏ đào đang sử dụng năng lượng mặt trời, gió hoặc thủy điện. Ethiopia, chẳng hạn, dùng năng lượng sạch từ Đập Đại Phục Hưng để khai thác bitcoin.

Tận dụng điện dư: Một số cơ sở khai thác chọn sử dụng lượng điện dư thừa từ lưới điện - thứ vốn sẽ bị lãng phí nếu không dùng đến.

Tối ưu hóa thiết bị: Các công ty đang cải tiến công nghệ để giảm tiêu thụ điện trên mỗi đơn vị bitcoin khai thác.

Một số nghiên cứu năm 2024 cho thấy tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hoạt động khai thác bitcoin đã vượt 50% và đang tăng. Có báo cáo thậm chí tuyên bố hoạt động đào bitcoin mới đã giảm phát thải CO2 toàn cầu, nhờ tận dụng năng lượng dư hoặc "kẹp lỗ" tại các vùng hẻo lánh.

Dù có dấu hiệu "xanh hơn", bitcoin vẫn đối mặt với sự hoài nghi. Do tính chất phi tập trung, không ai có thể đo đạc chính xác tổng lượng phát thải CO₂ toàn mạng lưới. Việc một số công ty tự công bố "trung hòa carbon" cũng chưa thể kiểm chứng minh bạch.

Một ví dụ gây tranh cãi là video của Pierre Rochard (Riot Platforms), trong đó ông đo lượng CO2 tại một cơ sở khai thác và tuyên bố phát thải thấp. Nhưng các nhà khoa học phản biện rằng thiết bị ông dùng không đo được khí thải từ khâu sản xuất điện, vốn chiếm phần lớn lượng phát thải.

Ngoài ra, một số người còn đặt câu hỏi: Ngành ngân hàng truyền thống cũng tiêu tốn lượng điện khổng lồ (cho các tòa nhà văn phòng, trung tâm dữ liệu, máy ATM...)., vậy liệu có công bằng khi chỉ trích riêng bitcoin?

Các tin khác

Người mua vàng lỗ nặng

Sáng nay (28/5), giá vàng trong nước tiếp đà giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 118 triệu đồng/lượng và người mua lỗ ngay hơn 5 triệu đồng/lượng tính từ đầu tuần.

SeABank bàn giao 856 căn nhà đại đoàn kết cho tỉnh Hòa Bình

Ngày 19/5, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức khánh thành, bàn giao 856 căn nhà xây mới và sửa chữa tổng trị giá 30 tỷ đồng tặng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Không phải Vingroup, ông lớn bất động sản này liên tục bung dự án nghìn tỷ, xin xây đô thị ”khủng” khắp ba miền, bứt tốc trên cuộc chơi địa ốc

Thời gian gần đây, Tập đoàn Sun Group liên tiếp đề xuất đầu tư các dự án quy mô lớn, chủ yếu là các khu đô thị. Những dự án này trải dài từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở các tỉnh cửa ngõ của Hà Nội, TP.HCM hoặc trung tâm kinh tế vùng. Dưới đây là thống kê chi tiết:

Giá vàng tiếp tục giảm mạnh

Sáng nay (27/5), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh. Theo đó, giá vàng miếng SJC về mốc 119 triệu đồng/lượng. Chỉ trong vòng hơn 1 ngày qua, giá vàng miếng SJC giảm 2,5 triệu đồng/lượng mua vào và 2 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn hiện giao dịch ở mức 114 triệu đồng/lượng.

Việt Nam - Pháp hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin

Ngày 26/5, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Công ty Vắc xin Việt Nam (VNVC) và Tập đoàn dược phẩm Sanofi (Pháp) đã trao văn kiện thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin của Sanofi tại Nhà máy Vắc xin và Sinh phẩm VNVC, Việt Nam.

Kiến nghị bỏ sổ hồng giấy

Mới đây, Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường có văn bản số 35/CV-IEER ngày 26/5/2025 gửi Thủ tướng chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thành ủy TP.HCM kiến nghị về thực hiện số hoá giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng).