Thời sự

Bịt lỗ hổng lập công ty "ma"

Ngày 28-6, Chi cục Thuế quận 6 đã có văn bản gửi Cục Thuế TP HCM và các chi cục thuế trên địa bàn thành phố. Qua rà soát, tra cứu dữ liệu người nộp thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung, phát hiện bà Nguyễn Thị Hương (SN 1990, quê Nam Định) đang làm đại diện pháp luật cho 116 công ty trên địa bàn TP HCM.

Lập 116 công ty trong vài tháng

Tất cả 116 công ty này được đăng ký với tên nước ngoài và đều được đăng ký tại TP HCM do bà Hương làm đại diện pháp luật, được thành lập từ tháng 12-2023 đến tháng 3-2024. Trước sự bất thường này, Cục Thuế TP HCM đã gửi công văn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đề nghị rà soát, đồng thời gửi văn bản cho Công an TP HCM.

Sau vụ việc này, Cục Thuế TP HCM cho biết đang tiếp tục rà soát và mở rộng ra cả những cá nhân có nhiều doanh nghiệp, không riêng trường hợp này. Tới đây, quy định sẽ ngày càng chặt chẽ hơn để tránh trường hợp lợi dụng thành lập nhiều doanh nghiệp nhằm mua bán hóa đơn.

Bịt lỗ hổng lập công ty

Công an TP HCM khám xét tiệm vàng Đ.L liên quan đường dây rửa tiền

Bà Nguyễn Thị Hương là người đã bị Công an TP HCM bắt tạm giam vào cuối tháng 4-2024 do liên quan đường dây rửa tiền. Ngày 27-4, Công an TP HCM thông tin đã bắt giữ Nguyễn Thị Hương cùng 12 người khác để điều tra về tội "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Băng nhóm này thành lập nhiều công ty "ma" có tên giống các công ty ở nước ngoài, sau đó thực hiện hành vi lừa đảo công nghệ cao. Nhóm này chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua tiệm vàng Đ.L ở quận Tân Bình.

Nhóm lừa đảo đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty "ma" nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội. Các đối tượng đã mở hơn 700 tài khoản cá nhân phục vụ hoạt động này. Công an TP HCM đã xác minh hơn 100 tài khoản liên quan, khám xét 12 địa điểm và tạm giữ nhiều đồ vật, tài liệu. Tổng giao dịch hoạt động vi phạm pháp luật của tiệm vàng Đ.L khoảng 13.000 tỉ đồng.

Kiểm soát hồ sơ mở công ty

Luật sư Mai Thanh Bình, Công ty TNHH Luật Mai Thanh Bình, cho biết hiện nay không có quy định nào liên quan đến việc hạn chế số lượng công ty mà cá nhân được phép thành lập. Do đó, một cá nhân, tổ chức vẫn có thể thành lập nhiều công ty TNHH hoặc nhiều công ty cổ phần.

Như vậy, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân, một hộ kinh doanh hoặc chỉ là thành viên hợp danh của một công ty hợp danh. Nếu cá nhân đã là chủ của một doanh nghiệp tư nhân thì sẽ không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh; cũng không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

Quy định như vậy xuất phát từ việc cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tất cả tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp nên tài sản cá nhân khó có thể bảo đảm cho nhiều doanh nghiệp cùng một lúc.

Số lượng công ty mà mỗi cá nhân có thể thành lập hoặc góp vốn sẽ là không giới hạn nếu họ chỉ là thành viên góp vốn của công ty TNHH hai thành viên hay cổ đông của công ty cổ phần hay thành lập công ty TNHH một thành viên. Bởi trong trường hợp này, chủ công ty hay thành viên doanh nghiệp chỉ cần chịu trách nhiệm về số vốn đã góp vào công ty hay tỉ lệ cổ phần đang sở hữu.

Do đó, hiện nay không thể trả lời chính xác là số doanh nghiệp mỗi người có thể thành lập tối đa là bao nhiêu nhưng nếu chỉ thành lập công ty TNHH một thành viên, góp vốn thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần thì số lượng công ty được thành lập là không giới hạn.

"Sau này muốn thành lập các doanh nghiệp khác, người dân phải theo dõi quy định của pháp luật doanh nghiệp tại thời điểm đó. Quy định hạn chế số lượng doanh nghiệp được thành lập trong một số trường hợp như vậy là nhằm bảo vệ quyền lợi của những cá nhân, tổ chức có quan hệ làm ăn với những công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân bởi thành viên hợp danh của công ty hợp danh và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn với những hoạt động kinh doanh của công ty, nếu thành lập nhiều công ty thì không tránh khỏi nhiều trường hợp làm ăn thua lỗ và nhiều khoản nợ xấu không trả được" - luật sư Mai Thanh Bình thông tin.

Để bịt lỗ hổng các cá nhân thành lập công ty với mục đích xấu, luật sư Mai Thanh Bình cho rằng khi thành lập doanh nghiệp cần có quy định rõ hơn về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cần chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp. Cần có quy định rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật. Đồng thời quy định rõ thời gian tối thiểu mỗi lần thành lập doanh nghiệp do một người đứng tên để tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan như hiện nay. 

Yêu cầu đối chiếu căn cước công dân

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP HCM, cho biết hiện nay quy định cấp phép thành lập doanh nghiệp rất thoáng. Thời gian qua, nhiều trường hợp đã lợi dụng thành lập hàng loạt doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Do vậy hiện nay, sau khi thành lập, để được sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải có mặt để đối chiếu căn cước công dân. Theo ông Dũng, việc này nhằm mục đích phổ biến chính sách pháp luật về thuế nhưng một mặt là để nhận diện, nắm bắt, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm