Theo đó Bình Thuận giảm từ 121 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, xuống chỉ còn 45 xã, giảm 62,8%. Trong đó, một số địa danh quen thuộc như Mũi Né, Bình Thuận hay Phan Thiết vẫn được giữ lại tên.
Tại TP.Phan Thiết có 15 ĐVHC (11 phường và 4 xã) giảm xuống còn 6 phường. Cụ thể P.Hàm Tiến, Mũi Né và xã Thiện Nghiệp sẽ sáp nhập thành phường mới, lấy tên là P.Mũi Né. Phường mới có diện tích tự nhiên 118,59 km2, dân số 50.166 người và trung tâm chính trị - hành chính sẽ đặt tại P.Mũi Né hiện nay.

Một góc phường Phan Thiết mới hiện nay
ẢNH: Q.H
Các P.Phú Trinh, Lạc Đạo và Bình Hưng sáp nhập lại và lấy tên P.Phan Thiết. Phường mới có diện tích tự nhiên 4,46 km2, dân số 85.493 người và đặt trung tâm hành chính - chính trị tại P.Lạc Đạo hiện nay.
Sáp nhập xã Phong Nẫm, P.Phú Tài (TP.Phan Thiết hiện nay) và xã Hàm Hiệp (H.Hàm Thuận Bắc) thành P.Bình Thuận; phường có diện tích tự nhiên 45,16 km2, dân số 47.858 người và đặt trung tâm hành chính tại xã Phong Nẫm hiện nay.
Sáp nhập xã Hàm Mỹ (H.Hàm Thuận Nam) và xã Tiến Lợi (TP.Phan Thiết), lấy tên mới là xã Tuyên Quang (giữ lại Tuyên Quang là tỉnh kết nghĩa với Bình Thuận).
Sáp nhập P.Xuân An (TP.Phan Thiết) với xã Hàm Thắng và TT.Phú Long (H.Hàm Thuận Bắc hiện nay) lấy tên mới là xã Hàm Thắng, trung tâm hành chính xã đặt tại P.Xuân An hiện nay.
Đối với các tên huyện hiện nay của tỉnh Bình Thuận vẫn tiếp tục lưu giữ thành đơn vị hành chính cấp xã, phường mới như P.La Gi, xã Hàm Tân, xã Hàm Thuận Nam, xã Hàm Thuận Bắc, xã Hàm Thuận, xã Bắc Bình, xã Tuy Phong, xã Đức Linh và xã Tánh Linh…
Các huyện Tuy Phong còn 4 xã; Bắc Bình còn 7 xã; Hàm Thuận Bắc còn 7 xã; Hàm Thuận Nam còn 5 xã; Hàm Tân còn 3 xã; TX La Gi còn 2 phường và 1 xã; Tánh Linh còn 5 xã và Đức Linh còn 4 xã.
Theo đề án được duyệt, huyện đảo Phú Quý trở thành đặc khu Phú Quý, dựa trên việc sáp nhập 3 xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh của huyện đảo này.