Bất động sản

Bình Dương khởi công KCN Vsip III quy mô 1.000 héc-ta với vốn đầu tư gần 6.500 tỉ đồng

Sáng 19/3, VSIP Group tổ chức lễ khởi công Khu công nghiệp VSIP tại thị xã Tân Uyên. Đây là dự án thứ ba mang thương hiệu VSIP tại Bình Dương và là dự án thứ 11 của VSIP Group tại Việt Nam.

Dự án Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore III có diện tích 1.000 ha, với tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là một hoạt động quan trọng và đầy ý nghĩa của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương; là một hoạt động thiết thực trong việc hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế.

VSIP là liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và một liên minh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp Development dẫn đầu. Dự án VSIP III – Bình Dương rộng 1.000 ha đánh dấu cột mốc quan trọng mới đối với Liên doanh VSIP bởi dự án này thực hiện việc chuyển đổi chiến lược theo hướng phát triển bền vững hơn. Với tầm nhìn là mô hình của một khu công nghiệp thông minh và bền vững, VSIP III – Bình Dương được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động tại khu công nghiệp, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh.

Bình Dương khởi công KCN Vsip III quy mô 1.000 héc-ta với vốn đầu tư gần 6.500 tỉ đồng - Ảnh 1.

Giai đoạn 1 rộng 100 ha của dự án cũng đã đạt điều kiện để được cấp Chứng Nhận Xanh Green Mark của Cơ quan Quản Lý Xây dựng Singapore (BCA) đối với các khu công nghiệp, giúp dự án này trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững nhất tại Việt Nam.

Đến nay, đã có 31 Tập đoàn và công ty trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại VSIP III - Bình Dương, tương đương với 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ đô-la Mỹ vốn đầu tư dự kiến.

VSIP cũng sẽ giới thiệu các chương trình hỗ trợ tỉnh Bình Dương nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng bền vững và phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, Sembcorp, cổ đông Singapore của VSIP, đã làm việc với Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) để thành lập Trung tâm Giải pháp Bền vững EIU-Sembcorp nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cho sinh viên và chuyển giao kiến ​​thức cho các giảng viên về phát triển năng lượng mặt trời. Chương trình thứ hai nhằm đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ 4.0 trong ngành sản xuất của Việt Nam. Becamex và Sembcorp, thông qua VSIP, dự định mời trường Đại học quốc tế Singapore Polytechnic và Liên minh chuyển đổi Smart i4.0 (SiTA) có trụ sở tại Singapore đến EIU nhằm đào tạo sinh viên sẵn sàng tiếp cận các tiến triển tương lai trong lĩnh vực công nghiệp 4.0. VSIP cũng sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa áp dụng các giải pháp công nghiệp 4.0 có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo thời gian, hiệu quả của những chương trình này cũng sẽ góp phần vào sự phát triển thông minh bền vững, lâu dài của khu công nghiệp.

Được biết, với việc khởi công VSIP III - Bình Dương, VSIP Group hiện đang tham gia vào việc phát triển 11 khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ trên khắp Việt Nam. Từ VSIP đầu tiên tại thành phố Thuận An, tổng quỹ đất của Tập đoàn VSIP đã tăng lên gần 10.000 ha bao gồm từ Bình Dương với vị trí đắc địa của Hành lang kinh tế phía nam; miền Bắc bao gồm tỉnh Bắc Ninh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương và miền Trung bao gồm tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Nghệ An, tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Trị. VSIP đang cung cấp hạ tầng sản xuất cho 880 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 17 tỷ đô-la Mỹ và tạo việc làm cho hơn 295.000 lao động trong nước và nước ngoài.

Bình Dương đã và đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Địa phương này đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng đô thị thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung thu hút vào các KCN, cụm công nghiệp được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; nghiên cứu hình thành KCN - đô thị khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm