Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Bình An (thôn Bình An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước).
Đây là dự án nhằm thu hút vốn đầu tư, tập trung tạo điều kiện tổ chức sản xuất tốt nhất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.
Dự án sau khi hoàn thiện sẽ tạo quỹ đất để di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đang hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn huyện để đưa vào sản xuất tập trung tại Cụm Công nghiệp Bình An.
Dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Bình An được đầu tư xây dựng với diện tích 38,234 ha, bao gồm các hạng mục chính như: san nền; xây dựng hệ thống giao thông nội bộ; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống thu gom và xử lý nước thải; hệ thống cấp điện; cây xanh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 21 nhà máy chế biến dăm gỗ, 26 nhà máy sản xuất viên nén gỗ. Ảnh: Nguyễn Tri
Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 289,5 tỷ đồng; trong đó, sơ bộ về chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 144,3 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến bắt đầu triển khai dự án từ năm 2022. Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 36 tháng (3 năm) kể từ ngày nhà đầu tư được công nhận làm chủ đầu tư dự án nhận bàn giao đất.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Hoài Ân đầu tư dự án Nhà máy cưa xẻ gỗ và sản xuất dăm gỗ xuất khẩu tại Cụm Công nghiệp Gò Bằng (huyện Hoài Ân); Công ty TNHH Sản xuất thương mại tổng hợp Hải Đăng đầu tư dự án Xưởng sản xuất gỗ thanh và ván bóc thành phẩm tại Cụm Công nghiệp Hóc Bợm (huyện Tây Sơn).
Cụ thể, Nhà máy cưa xẻ gỗ và sản xuất dăm gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Hoài Ân đăng ký đầu tư tại lô C3, D1, D2, E, F (Cụm công nghiệp Gò Bằng, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân), với diện tích khoảng 3,2 ha.
Mục tiêu đầu tư dự án là sản xuất ván gỗ công suất đạt 80.000 tấn/năm và dăm gỗ 120.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư đến 40 tỷ đồng. Tiến độ đăng ký thực hiện dự án đến tháng 6/2024 hoàn thành và đi vào hoạt động.
Dự án Xưởng sản xuất gỗ thanh và ván bóc thành phẩm của Công ty TNHH Sản xuất thương mại tổng hợp Hải Đăng đăng ký đầu tư tại lô CN13 (Cụm công nghiệp Hóc Bợm, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), với diện tích 9.521m2.
Dự án được đầu tư với quy mô sản xuất gỗ thanh 6.500m3/năm; ván bóc 3.500 m3/năm; vốn đầu tư 7,62 tỷ đồng. Tiến độ đăng ký thực hiện dự án đến quý 1/2024 hoàn thành và đi vào hoạt động.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 21 nhà máy chế biến dăm gỗ với tổng công suất thiết kế 1.150.300 BDMT/năm; 26 nhà máy sản xuất viên nén gỗ với tổng công suất thiết kế 1.725.000 tấn/năm. Tổng nhu cầu nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến của 47 nhà máy nêu trên khoảng 4,46 triệu tấn gỗ nguyên liệu/năm.