“Ông lớn” tiền mã hoá Binance đang “đổi chiến thuật” khi để mắt đến các thị trường chưa phát triển tại Đông Nam Á. Theo đó, Binance đang từ bỏ chiến thuật “vào thị trường trước, tuân thủ sau” trước đó đã khiến nhiều cơ quan chức năng ở Anh, Nhật Bản và Singapore liên tục phát đi các cảnh báo.
Hôm 30/6, Binance, sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới theo lưu lượng giao dịch, đã ký một thoả thuận với Cơ quan điều hành chứng khoán và sàn giao dịch Campuchia để phát triển khung pháp lý điều hành và phát triển ngành công nghiệp tài sản số tại quốc gia này. Tại Đông Nam Á, các quy định liên quan đến tiền mã hoá, cả trên phương diện tài sản hoặc phương thức trao đổi, vẫn còn khá rời rạc.
Thoả thuận với Campuchia được thực hiện sau khi Pháp cũng “bật đèn xanh” để một công ty con của Binance có thể cung cấp dịch vụ tài sản số vào tháng 5.
Việc được Pháp thông qua có thể giúp Binance thuận đường hơn khi thâm nhập các thị trường Châu Âu khác, đặc biệt là sau khi nó bị cấm tham gia các hoạt động tài chính ở Anh đồng thời nhận được cảnh báo từ Nhật Bản yêu cầu dừng vận hành khi chưa có giấy phép.
Ông Leon Foong, giám đốc thị trường Châu Á - Thái Bình Dương của Binance, nói rằng Binance nhìn nhận các đợt giảm giá của thị trường tiền mã hoá gần đây là cơ hội để xây dựng lại ngành công nghiệp này với những “tay chơi” mạnh mẽ hơn.
Tổng vốn hoá thị trường tiền mã hoá đã giảm 1,26 nghỉn tỷ USD, tương đương 58% trong 3 tháng qua. Thị trường tiền mã hoá lần đầu rớt xuống dưới mốc 1 nghìn tỷ USD kể từ đầu năm 2021, theo CoinDesk.
“Mặc dù đang có một số đợt điều chỉnh thị trường ở thời điểm hiện tại, đây là thời điểm của sự phục hồi mạnh mẽ hơn. Các dự án tồn tại được sẽ là những dự án sẽ tồn tại được trong dài hạn”, ông Foong nói. “Chúng tôi muốn các cơ quan điều hành nhận ra khả năng phục hồi này để cảm thấy thoải mái và rõ ràng hơn trong việc hiều hành loại tài sản mới này”, ông nói thêm.
Những chia sẻ nói trên của ông Foong được chia sẻ với Nikkei tại Bangkok, nơi ông đang có chuyến công tác để điều phối kết hoạch ra mắt một sàn giao dịch Thái Lan của Binance dưới sự liên kết với Gulf Energy Development.
Gulf Energy Development và Binance đang nộp đơn xin cấp phép dịch vụ tài sản số cho liên doanh của mình. Trong liên doanh này, Gulf Energy Development nắm giữ 51% cổ phần. Đến thời điểm hiện tại, Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Thái Lan mới chỉ ban hành 8 giấy phép tài sản số.
“Rất hữu ích khi có một đối tác tại địa phương với các khoản đầu tư vào các hạ tầng chiến lược quan trọng như năng lượng và viễn thông. Đối tác này cũng mong muốn tìm ra cách thức để bảo vệ mô hình kinh doanh trong tương lai”, ông Foong chia sẻ về Gulf Energy Development.
Gulf, một trong những nhà cung cấp năng lượng tư nhân lớn nhất Thái Lan, đang đa dạng hoá hoạt động kinh doanh của mình bằng cách đầu tư vào nhiều mảng khác nhau như năng lượng tái tạo hay viễn thông. Những người ủng hộ blockchain hình dung công nghệ này được áp dụng vào các lĩnh vực như phân phối năng lượng, từ đó mở cửa cho việc khách hàng dùng các token số để thanh toán điện, nước.
Việc đón nhận có thể sẽ tích cực hơn ở Philippines, nơi nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu đã tiếp cận với tiền mã hoá thông qua trò chơi nổi tiếng Axie Infinities. Ông Foong cho biết Binance đang trong quá trình xin giấy phép ở Philippines. Binance đã rút đề nghị cấp phép ở Singapore sau khi mua cổ phần ở HGX, một sàn giao dịch địa phương.
Hồi tháng 4, ngân hàng trung ương Thái Lan cấm sử dụng tiền mã hoá như một phương tiện thanh toán. Dù vậy, chính phủ vẫn thúc đẩy việc dùng tài sản số như một phương tiện đầu tư thay thế. Tại đây, Binance sẽ phải cạnh tranh với Bitkub, sàn giao dịch đang xử lý hơn 90% khối lượng giao dịch tại Thái Lan.
“Chúng tôi xem những công ty khác trong lĩnh vực này là đối tác. Miễn là hệ sinh thái phát triển, Binance sẽ phát triển”, ông Foong nhấn mạnh và chia sẻ rằng Binance sé tập trung vào việc tăng hiểu biết của người dùng cuối, các nhà điều hành và các doanh nghiệp lớn về “các ứng dụng blockchain vào quy trình của họ”.
Binance đang lên kế hoạch mở rộng số lượng nhân sự toàn cầu thêm khoảng 2.000 người, ngay cả trogn bối cảnh nhiều đối thủ quốc tế đang cắt giảm quy mô vì điều kiện thị trường kém thuận lợi. Ông Foong cho rằng Binance có thể làm điều này là nhờ “việc kinh doanh sàn giao dịch lõi vẫn bền vững và có dòng tiền riêng”.
Mặc dù Binance được đăng ký ở Cayman Islands, các nhà điều hành đang đau đầu vì Binance không có một trụ sở chính chính thức. Khi đại dịch bùng nổ, ông Changpeng Zhao (CZ) chuyển tới Singapore làm dấy lên tin đồn Binance sẽ mở trụ sở tại đây. Cuối năm ngoái, CZ chuyển tới Dubai, nơi vừa đưa vào hiệu lực luật điều hành tài sản số đầu tiên hồi tháng 2 năm nay.