Kỹ năng sống

Biến ruộng hoang thành cánh đồng tiền tỷ

"Nhiều người bảo tôi gàn, nhưng tính tôi nếu nhìn thấy cơ hội mà không làm thì không yên", anh Khanh, 47 tuổi, ngồi trong phòng trà ở thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, nhìn ra đầm sen hơn 50 héc ta, nói.

Anh Khanh bước vào nghề trồng hoa như sắp đặt của số phận. Mồ côi bố năm 11 tuổi, anh chỉ học hết lớp 7. Năm 23 tuổi, Khanh lập gia đình, được cấp cho hai sào đất trồng hoa. Để tối đa lợi nhuận, chàng trai năm ấy không ngồi đợi thương lái mà mang hoa vào trung tâm Hà Nội bán lẻ từng bông, tìm chỗ bán sỉ.

Về làng, vợ chồng Khanh thuê lại ruộng của người làng để trông thêm hoa, mở điểm thu gom, cây giống, chở đi khắp Hà thành bán sỉ, không hết thì bán rong. Anh bắt mối với các chợ hoa ở Tuyên Quang, cứ trước rằm, mùng 1 là bắt xe khách chở hàng lên bán.

Có vốn, hai vợ chồng mở công ty vật liệu xây dựng quy mô nhỏ.

Anh Lã Quang Khanh kiểm tra sâu, rệp trên lá sen, chiều 26/4. Ảnh: Phạm Nga

Anh Lã Quang Khanh kiểm tra sâu, rệp trên lá sen, chiều 26/4. Ảnh: Phạm Nga

Thấy ở quê ruộng trũng nhiều, máu trồng hoa trỗi dậy, anh lên kế hoạch thuê lại trồng sen. "Đi buôn hoa tôi biết, giá hoa sen ăn đứt hoa hồng", anh nói.

Năm 2016, hầu hết cánh đồng thôn bỏ hoang vì ruộng nước sâu không thể trồng lúa. Nhìn cỏ ngập đồng, chuột bọ hoành hành, anh quyết định thuê trồng sen, trả chủ ruộng mỗi sào 25 kg thóc một năm.

Anh Khanh nhờ trưởng thôn mở một cuộc họp mời các gia đình có ruộng bỏ hoang tới. Biết anh muốn thuê lại ruộng, chỉ một nửa số hộ đến dự, những hộ khác sợ mất mốc giới ruộng khi anh cày xới đất, có người sợ mai kia quy hoạch có đền bù, anh Khanh chiếm dụng. Kết quả, anh chỉ thuê được 5 hécta, nhưng các thửa không liền nhau, lỗ chỗ như da báo. Khanh vẫn bắt tay vào làm.

Anh chi hàng trăm triệu thuê người làm cỏ, xới đất suốt một năm. "Có khi ba bốn ngày liền chẳng thấy anh về nhà, lúc nào cũng bì bõm dưới ruộng", chị Nguyễn Thị Hải, 42 tuổi, vợ anh Khanh kể. Tháng 6 mùa sen nở rộ. Cả cánh đồng trước đây toàn cỏ lác, nay xuất hiện những mảng màu hồng. Người làm công lẫn chủ thức cả đêm hái hoa cho kịp bán. Nhưng hoa hái lên cứ từ từ chuyển màu sẫm, mất hẳn màu hồng của hoa sen, bông hoa cắm đầu xuống, cánh rụng lả tả. Thương lái đến lại bỏ về.

Lúc này, vợ chồng anh mới tá hỏa, hóa ra đây là giống hoa quỳ, không phải sen. Tiếc công, họ để hoa lại đợi già thì lấy hạt. Nhưng ruộng thuê không liền mạch, chỗ trồng hoa, chỗ bỏ hoang nên chuột ẩn nấp nhiều. Hoa quỳ thành hạt, chuột leo lên đài hoa cắn phá. Chủ lẫn nhân công đẫm mình dưới bùn cả ngày, bị gai quỳ cào xước khắp người mới gom được người vài ký hạt, giá bán chưa đầy 100 nghìn đồng một cân, trong khi tiền công đã tốn 300 nghìn đồng một người mỗi ngày. Vụ đầu tiên, vợ chồng Khanh lỗ hơn 300 triệu đồng, da đen sạm, sụt cân vì tiếc của lẫn công.

"Nhiều bữa anh bưng bát cơm lên lại đặt xuống vì buồn, nhưng anh động viên vợ 'việc gì khởi đầu chẳng khó khăn. Nếu dễ người ta làm hết, ai đợi đến mình'", chị Hải kể.

Sau hôm đó, anh Khanh ít lội ruộng, chăm ngồi máy tính tìm hiểu kiến thức về sen. Thấy vùng Hưng Yên, Hà Nam, Tây Hồ, Sóc Sơn (Hà Nội) trồng nhiều sen, anh đến tận nơi học kinh nghiệm.

Nông dân thu hoạch sen trên cánh đồng thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, tháng 6/2020. Ảnh: Làng sen Mê Linh

Nông dân thu hoạch sen trên cánh đồng thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, tháng 6/2020. Ảnh: Làng sen Mê Linh

"Không chỉ hiểu về sen, phải mở rộng diện tích trồng để nó không lổn nhổn, có chỗ cho chuột cắn nữa", anh nhận định.

Khanh nghĩ ra một cách để thuyết phục thêm các hộ cho mình thuê đất. Mỗi tháng, khi nhà văn hóa thôn có lịch thu tiền điện, các loại tiền dịch vụ, anh đều có mặt từ sáng sớm, đứng trả tiền cho những hộ đã cho mình thuê ruộng, cốt để những người chưa đồng ý nhìn thấy.

Sau đó, anh gặp từng người nói chuyện. Ai chưa thuận tình, anh đến nhà viết thỏa thuận. Thấy tiền thật, việc thật, ngày càng nhiều người chuyển ruộng cho anh mượn. Diện tích trồng sen chỉ hơn 5 héc ta năm đầu tiên dần mở rộng, hiện tại lên 50 héc ta.

Năm thứ hai này, ông chủ kết thân với những người chuyên trồng sen Tây Hồ, hỏi mua giống Bách Diệp trắng và Bách Diệp hồng. Mùa sen thường bắt đầu từ 19/5 đến 2/9, hoa nở rộ, búp hoa to, thơm dìu dịu. "Đóa sen tuy không thể to đẹp như sen Tây Hồ nhưng cũng đạt chất lượng đến 80%", anh nhận định.

Mặt trời chưa tỏ, thương lái đã đến đợi mua sen. Chính vụ, anh thu hoạch mỗi ngày 20.000 bông. Ban đầu anh chỉ bán hoa, sau nghĩ đến ướp trà khi được người thân tặng ít trà sen Tây Hồ.

"Diện tích trồng sen Hồ Tây ngày càng thu hẹp nên trà sen, thứ chỉ người có kinh tế dám uống, sẽ càng đắt đỏ hơn", anh nói với vợ rồi lên Tây Hồ tìm nghệ nhân, mời về làng dạy cho cách ướp trà. Từ đó, sen của Khanh không chỉ bán bông vào chính vụ, nay ướp trà bán quanh năm.

"Anh Khanh là người đầu tiên và duy nhất ở Mê Linh trồng sen. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp ở xã nhà", ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch Hội nông dân xã Mê Linh, nói. Năm 2021, xã Mê Linh đề nghị anh Khanh thành lập hợp tác xã làng nghề sen, từng bước xây dựng thương hiệu.

Ngoài bán hoa và trà, anh mở cửa đón khách tham quan, thu phí 30 nghìn đồng một người. Trung bình mỗi năm, đầm sen mang về cho gia đình anh Khanh hàng tỷ đồng lợi nhuận. Có 20 nhân công thường xuyên được tạo việc làm, thu nhập khoảng 7 triệu đồng một tháng.

Trà được ướp trong bông sen trồng trên cánh đồng thôn Liễu Trì, xã Mê Linh. Ảnh: Làng sen Mê Linh

Trà được ướp trong bông sen trồng trên cánh đồng thôn Liễu Trì, xã Mê Linh. Ảnh: Làng sen Mê Linh

Nghĩ tương lai không xa diện tích sen Mê Linh sẽ phải thu hẹp nhường chỗ cho dự án, anh Khanh đi Phúc Thọ, Sóc Sơn tìm vùng trồng sen mới. Anh hướng dẫn kỹ thuật trồng, ướp sen và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ nông dân.

Trên hành trình tìm người chung đam mê, anh Khanh nhận nhiều cái lắc đầu. "Đam mê thì đam mê thật, nhưng mà khó quá", họ bảo với anh.

Ông chủ đầm sen Mê Linh đáp câu mình tâm luôn tâm niệm: "Khởi đầu nào cũng có khó khăn, điều quan trọng là có tin tưởng mình sẽ thành công hay không để quyết định bắt đầu".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm