Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký, ban hành Quyết định số 3521/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn thành phố.
Lực lượng chức năng chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) hôm 1-8-2022. Vụ cháy đã khiến 3 chiến sĩ công an hi sinh
Đoàn kiểm tra do ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, làm Trưởng đoàn; Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP, làm Phó trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra còn có các thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Văn hóa và Thể thao, Công Thương, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND TP và Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của Công an TP.
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra đột xuất đối với tổ chức, đơn vị về việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và báo cáo UBND thành phố.
Thời gian kiểm tra dự kiến từ ngày 28-9-2022 đến ngày 31-12-2022.
Đáng chú ý, theo Quyết định số 3521/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ban hành, có nêu rõ hàng loạt cơ sở dự kiến sẽ bị kiểm tra đều nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy. Cụ thể, 10 cơ sở tại địa bàn quận Cầu Giấy được dự kiến bị kiểm tra, gồm: Karaoke Rồng Vàng (12 Nguyễn Khang); karaoke Queen (12 Trần Duy Hưng), karaoke XO (70 Nguyễn Khánh Toàn); Karaoke Hoàng Gia (31,Nguyễn Khang); Trung tâm tiệc cưới CTM (131 Nguyễn Phong Sắc); chợ xe máy cũ Chùa Hà, Chợ Nghĩa Tân, Chung cư Tràng An Complex (số 1 Phùng Chí Kiên); toà nhà FLC (265 Xuân Thuỷ).
UBND TP Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND kiểm tra việc thực hiện công tác PCCC, CNCH trên địa bàn thành phố. Kế hoạch nhằm mục đích siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cũng như ý thức, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân buông lỏng, bỏ trống địa bàn, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực, loại hình cơ sở tập trung đông người, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn thành phố.
Đối tượng kiểm tra là một số cơ sở tập trung đông người, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao (cơ sở kinh doanh karaoke, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, nhà cao tầng, khu chung cư, tập thể cũ...) trên địa bàn. Trước mắt, tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Kế hoạch đề ra nội dung kiểm tra đột xuất trách nhiệm, nhận thức của cơ sở trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định; kiểm tra các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ sở theo quy định tại Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp phát hiện có vi phạm, giao UBND cấp huyện chỉ đạo xử lý theo quy định; đồng thời, xem xét, đánh giá công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn quản lý.
Trước đó, ngày 12-9, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ và lực lượng phòng cháy, chữa cháy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ công tác PCCC, CNCH còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập; đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng; cần khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, khắc phục thời gian tới.
Theo Thủ tướng, ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC có nơi, có lúc chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của PCCC; còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; còn nhiều trường hợp cố ý vi phạm quy định PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh, chưa bảo đảm tính răn đe, dẫn đến tình trạng chây ì, kéo dài không khắc phục vi phạm. Việc xử phạt vi phạm nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa nghiêm, thậm chí buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý…
"Tôi lưu ý là nhiều vụ gây chết nhiều người xảy ra tại cơ sở kinh doanh karaoke; tại Hà Nội, nhiều vụ cháy quán karaoke xảy ra tại quận Cầu Giấy (vụ cháy quán karaoke làm 13 người tử vong hồi tháng 11-2016; vụ cháy làm 3 chiến sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ mới xảy ra hôm 1-8-2022 - PV). Chúng ta phải suy nghĩ về các số liệu, mất mát nói trên, về những địa bàn, khu vực, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy để tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp phòng ngừa, xử lý. Khi các vụ cháy xảy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước" - Thủ tướng nêu rõ.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Trước mắt, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC, nhất là những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy, như địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội; các quán karaoke; chú ý các cơ sở tập trung đông người, các nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ, nhất là các khu chung cư cao tầng; xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
TP Hà Nội hiện có trên 1.400 quán bar, vũ trường đang hoạt động; khoảng 10 triệu người; khoảng 1.437 công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng; 9 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp; 5.311 khu dân cư, trong đó có 438 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao.
Liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 504-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu "người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy nếu để xảy ra cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng cho người và tài sản trên địa bàn, phạm vi quản lý".