Trở thành khách mời trong số The Next Power thứ 4, bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch HĐQT PNJ) và ông Lê Trí Thông (Phó chủ tịch HĐQT, CEO PNJ) đặc biệt nhấn mạnh đến một công thức đổi mới đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong hoạt động công ty. Trong đó, sự khai phóng sáng tạo nội tại cũng như tận dụng nguồn lực từ bên ngoài là kim chỉ nam cho hoạt động đổi mới doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Công thức đổi mới theo phong cách "mổ nội soi"
Doanh nghiệp ngành vàng bấm nút "F5" cho công cuộc đổi mới sâu rộng tại công ty từ giai đoạn 2017 - 2018. Trong đó, bà Cao Thi Ngọc Dung cho biết áp dụng công thức liên tục đổi mới mỗi khi đi gần đến đỉnh. Doanh nghiệp xem xét lại hoạt động mỗi 5 năm và thực hiện tái cấu trúc liên tục để hoạt động kinh doanh không bị cũ, hoặc đi sau các xu hướng đương thời. "5 - 10 năm gần đây, hoạt động đổi mới đặc biệt đột phá, đổi từ tư duy, chứ không phải trong hành động", bà nhấn mạnh.
Bà cũng cho biết, một trong những quyết định táo bạo nhất là chọn ông Lê Trí Thông làm CEO. "Thông là người làm chiến lược giỏi nhưng không trẻ trung, không có tư duy thời trang, nhưng những thứ chúng tôi đang thiếu lúc đó lại là những thứ Thông có", bà chia sẻ về quyết định của bản thân vào thời điển năm 2018.
Công cuộc đổi mới dưới sự dẫn dắt của ông Lê Trí Thông có nhiều điểm khác biệt. Nếu các đơn vị khác thay đổi toàn bộ cấu trúc, bộ phận, con người để tạo ra lực đẩy mới cho sự phát triển, doanh nghiệp chọn phương án đổi mới "mổ nội soi".
Cụ thể, doanh nghiệp thay đổi từng phần, từ bộ phận này sang bộ phận khác, tạo ra sự đổi mới liên tục nhưng không mất nhiều sức. Không cần khởi động lại hay phải tạm dừng hoạt động nên đổi mới nhẹ nhàng và đỡ mất sức hơn.
Theo ông Lê Trí Thông, có ba tiêu chí quan trọng làm nên sự thành công trong công cuộc đổi mới doanh nghiệp bao gồm: quyết tâm của người lãnh đạo; tâm lý chính trực và tôn trọng sự thật, phải nhìn thẳng vào vấn đề; và khai phóng nguồn năng lượng bên trong tổ chức.
"Bên trong mỗi tổ chức luôn có nhiều nguồn năng lượng, các doanh nghiệp thường đi tìm các nguồn năng lượng mới hoặc bơm thêm. Nhưng thực ra, những nguồn lực nội tại thường không được được sử dụng hết, chính vì vậy việc khai phóng sáng tạo giúp tạo ra những tư duy mới, cách làm mới, xung đột mới. Những xung đột này có giá trị tích cực, tạo ra động lực vận hành doanh nghiệp", ông Lê Trí Thông nhấn mạnh.
Trọng tâm của hành trình khai phóng sáng tạo
Ông Lê Trí Thông nhận định, để văn hóa đổi mới sáng tạo được duy trì liên tục, cần phải nhắc đến 2 quá trình rất quan trọng. Quá trình thứ nhất là khai phóng bên trong để mọi người có thể tự suy nghĩ, có khả năng dám đề xuất, dám làm những thứ mà mình nghĩ ra. Song hành với đó, doanh nghiệp bổ sung thêm năng lực, bổ sung thêm sự bài bản, định hướng sáng tạo. Bởi ông quan niệm sáng tạo mà không có sự bài bản thì đôi khi sẽ trở thành hố đen. Quá trình thứ hai là doanh nghiệp thu hút được những con người có khả năng sáng tạo, muốn làm trong một môi trường khai phóng để gia nhập PNJ.
Sau khi đã tạo dựng được "con người sáng tạo", doanh nghiệp tiếp tục phát triển các chương trình để tạo ra sự sáng tạo như giảm đi tầng cấp báo cáo, rút ngắn thời gian từ sáng tạo đến thực tiễn. "Sáng tạo ko còn là câu chuyện độc quyền của các nhân sự cấp cao, chiến lược này giúp các nhân sự ở vị trí thấp nhất cũng có không gian để trình bày ý tưởng", ông nhận định.
Chiến lược này đã giúp PNJ xây dựng được một thế hệ lãnh đạo trẻ đáp ứng được với sự thay đổi của công ty và thị trường, xã hội. Việc tạo ra môi trường khai phóng trong doanh nghiệp đã trao cho nhân sự nhiều hơn không gian sáng tạo và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bùng nổ.
Để đánh giá về hành trình đổi mới tại PNJ hiện nay, ông Lê Trí Thông cho biết nếu như có 5 bậc đổi mới, doanh nghiệp mới đi từ cấp một lên cấp hai đó là khơi gợi được sức sáng tạo bên trong, thu hút được những người thích sáng tạo cùng gia nhập. Tuy vậy, theo ông, ngoài xã hội có rất nhiều nguồn lực sáng tạo và không nhất thiết phải trở thành một phần của PNJ. Doanh nghiệp đã tham gia với trường viện đại học, các trung tâm đổi mới để hợp tác và cộng hưởng các giá trị của hoạt động sáng tạo.
"Sáng tạo chỉ tạo ra được sự cộng hưởng nếu những kinh nghiệm của ngành này được hoà trộn với kinh nghiệm, kỹ năng của ngành khác. Chúng tôi có kinh nghiệm với ngành bán lẻ, chế tác, nhưng những ngành như gia công cơ khí, trí tuệ nhân tạo thì ít. Chúng tôi có thể kết hợp với họ để hoà vào dòng chảy chung, hứng được thành quả sáng tạo. Đó chính là các bước chuyển đổi thứ 3 và thứ 4 mà PNJ hướng tới trong tương lai", ông Lê Trí Thông nhấn mạnh.