Richard Sima là một nhà khoa học thần kinh. Bên cạnh công việc nghiên cứu, anh còn có nhiều đam mê về thể thao, một trong số đó là leo núi.
Đối với Richard, leo núi có thể là một trải nghiệm kinh hoàng và đầy nguy hiểm. Cánh tay anh lúc nào cũng mỏi, lòng bàn tay đầy mồ hôi, trơn trượt, đôi lúc anh tự hỏi liệu mình có nên chọn những tuyến đường dễ dàng hơn không.
Hoạt động mạnh có thể vắt kiệt thể chất và tinh thần Richard, nhưng bằng một lý do nào đó, anh vẫn cảm thấy những thách thức này như một phần thưởng. Anh sẵn sàng trả phí hằng tháng để bị "trượt ngã" trong một phòng tập thể dục mô phỏng trải nghiệm leo núi.
Richard hiển nhiên không phải người duy nhất tìm kiếm niềm vui từ các thử thách khó nhằn. Có những người bạn của anh chọn các môn lặn, chạy marathon, đạp xe đường dài, cử tạ. Một số thì chọn môn vận động trí óc như giải ô chữ, chơi cờ, chơi trò chơi điện tử.
Nhưng tại sao biết là khó mà chúng ta vẫn lao đầu vào làm? Các nhà tâm lý học gọi đây là "nghịch lý nỗ lực" (effort paradox). Cố gắng hết sức để làm một việc gì đó có thể khá tốn kém chi phí và gây khó chịu, nhưng sau cùng đem lại giá trị xứng đáng cho con người.
Bộ não của chúng ta liên tục tiến hành phân tích lợi ích chi phí có được từ mỗi lựa chọn và hành động của mình. Khi chúng ta làm việc chăm chỉ, vùng đai trước của vỏ não sẽ theo dõi những nỗ lực của chúng ta và đánh giá liệu có đáng để tiếp tục cố gắng hay không.
Có vẻ ai cũng thích chọn việc dễ, nhưng phần thưởng cho việc khó lại rất xứng đáng
Trong lịch sử, các lĩnh vực khoa học thần kinh nhận thức và kinh tế học hành vi đã tập trung vào nghiên cứu khả năng nỗ lực của con người. Khi phải lựa chọn hai nhiệm vụ, rõ ràng là ai cũng thích làm nhiệm vụ dễ hơn dù phần thưởng có thể ít hơn. Để có được phần thưởng lớn, ta buộc phải nỗ lực nhiều hơn, nhưng nhiều người có xu hướng bỏ dở giữa chừng, vì thế khi họ tiếp tục theo đuổi phần thưởng, họ phải bắt đầu lại từ đầu. Đó là một phần lý do tại sao "nỗ lực" hay đi đôi với sự "tốn kém".
Ví dụ, bạn tập gym giữa chừng và đặt mục tiêu là có cơ bụng 6 múi, giảm 10 ký để cơ thể đầy đặn hơn. Nhưng vì quá mệt mà bạn bỏ dở việc tập khi đã giảm được 3 ký, bạn ăn nhiều hơn và tiếp tục trở lại cân nặng cũ. Khi quay lại phòng tập thì bạn phải bắt đầu luyện tập lại từ đầu.
Vùng vân bụng, vùng não đóng vai trò chính trong việc xử lý các thành quả, hoạt động mạnh khi ta đạt được thành tựu đòi hỏi nỗ lực cao hơn bình thường.
Chúng ta rất coi trọng nỗ lực
Mọi người thường đánh giá cao những sản phẩm do chính tay mình tự làm, cái gì càng tốn nhiều công sức, chi phí để đạt được, chúng ta càng có xu hướng coi trọng hơn, hiện tượng này được đặt tên là hiệu ứng IKEA. IKEA là một tập đoàn bán các đồ nội thất tự lắp ráp (thay vì bán đồ được lắp ráp sẵn). Cái họ tập trung bán không phải đồ đạc mà chính là bán trải nghiệm tự tay lắp ghép đồ đạc. Do đó mà khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra mua vì tin rằng sản phẩm có giá trị cao hơn thực tế.
Nhưng hiệu ứng IKEA còn khá "nhẹ nhàng", tại sao vẫn có người thích các trải nghiệm cường độ cao như leo núi, chơi trò chơi cảm giác mạnh. Một nghiên cứu cho rằng câu trả lời có thể nằm ở nỗ lực. Chính quá trình nỗ lực, chứ không phải kết quả, đã tiếp thêm động lực để mọi người sẵn sàng dấn thân vào các nhiệm vụ khó nhằn.
Trong thí nghiệm đầu tiên, 121 người được trang bị các điện cực để theo dõi hoạt động tim mạch. Nhóm A nhận tiền thưởng dựa trên mức độ nỗ lực. Nhóm B thì được thưởng tiền ngẫu nhiên dù có nỗ lực thế nào. Sau vòng 1, toàn bộ hai nhóm người bước vào vòng 2, tại đây họ phải giải các bài toán với độ khó tự chọn. Điều quan trọng là họ không nhận tiền thưởng trong vòng này.
Ảnh minh họa: ST
Kết quả: nhóm A quyết định chọn giải bài toán khó nhiều hơn nhóm B cho dù cả hai nhóm chẳng nhận được chút tiền thưởng nào. Điều này cho thấy người đã quen với thử thách thường chấp nhận nhiều thử thách hơn. Họ tận hưởng quá trình nỗ lực, với họ, cảm giác phải tối ưu hóa mọi giác quan để vượt qua vật cản đôi khi còn tuyệt hơn là giành được cúp chiến thắng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải lên dây cót để chạy hết tốc lực trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Rõ ràng cố gắng đến kiệt sức là điều không nên chút nào, nhưng rèn cho mình thói quen luôn đặt "một chút nỗ lực" vào mọi việc sẽ khơi dậy nguồn năng lượng tiềm ẩn bên trong cũng như tăng mức độ hài lòng với cuộc sống.
Làm sao để duy trì động lực?
Động lực đem lại lợi ích tuyệt vời cho cuộc sống, nhưng duy trì nó thật không dễ. Dưới đây là một số lời khuyên từ tạp chí Health Direct về cách duy trì động lực:
Ảnh minh họa: ST
- Thường xuyên rà soát lại các mục tiêu và cập nhật tiến độ thực hiện. Bản thân việc nhìn thấy sự tiến bộ đã là một động lực để tiếp tục công việc, hoạt động của bạn.
- Đặt mục tiêu mới liên tục. Hãy suy nghĩ về điều bạn muốn đạt được trong tuần tới, tháng tới và năm tới. Ví dụ, sau 3 tháng bạn tập chạy bộ quãng đường 3km, bạn có thể tăng lên thành 5km trong 3 tháng tiếp theo.
- Duy trì nhịp độ phát triển. Hầu hết mọi người mất khoảng 2 tháng để phát triển một thói quen mới, nhưng một số người thì lâu hơn. Bạn cần tính toán xem khoảng thời gian để thói quen "vào nếp" là bao lâu, sau đó duy trì nó.
- Tìm "tiền bối", người đi trước để hỏi xin kinh nghiệm. Cảm giác thuộc về một cộng đồng chung đam mê sẽ giúp bạn có động lực hơn để cố gắng.
- Tập thể dục hằng ngày, chăm sóc cơ thể. Sự xuống dốc về sức khỏe chắc chắn sẽ làm gián đoạn thói quen của bạn.