Theo hãng tin CNN, những quỹ hưu trí thường phải đem lại sự ổn định và tin tưởng để phục vụ sứ mệnh cao nhất, đó là đảm bảo kiếm đủ thu nhập cho những người lao động nghỉ hưu trong 30-50 năm tới.
Thế nhưng câu chuyện tại Anh đang ngày càng trở nên phức tạp khi hàng trăm quỹ hưu trí ở đây lâm vào khủng hoảng, buộc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) phải vào cuộc để ổn định tình hình nhằm giữ an toàn cho hệ thống tài chính.
Mọi chuyện bắt đầu từ kế hoạch cải tổ nền kinh tế được công bố ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng, qua đó Anh sẽ tăng cường nợ công để thực hiện chính sách giảm thuế, qua đó kích thích nền kinh tế.
Tuy nhiên, quyết định vay nợ thêm để hỗ trợ kinh tế đã khiến các nhà đầu tư bán ra ồ ạt đồng Bảng Anh cũng như trái phiếu chính phủ. Sự mất giá của trái phiếu khiến tài sản này trở nên rủi ro hơn, qua đó đẩy lợi suất lên cao với tốc độ nhanh chưa từng có.
Đà tăng lợi suất này khiến hàng loạt quỹ hưu trí ở Anh lâm vào khủng hoảng do họ thực hiện chiến lược Đầu tư thâm dụng nợ (Liability Driven Investment-LDI).
Vòng luẩn quẩn
Cụ thể, các quỹ hưu trí cần đảm bảo có đủ tiền để trả cho người lao động nghỉ hưu trong tương lai. Họ sẽ phải vạch kế hoạch trong 30-50 năm tới và để có đủ tiền thanh toán trong khoảng thời gian đó, các quỹ hưu trí thường mua trái phiếu có niên hạn dài.
Đồng thời, những quỹ hưu trí này sẽ mua các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro cho khoản đầu tư này bởi chúng có thời gian rất dài. Trong quá trình này, các quỹ hưu trí sẽ phải đưa ra tài sản để thế chấp.
Nếu trái phiếu mất giá đẩy lợi suất lên cao mạnh thì các quỹ hưu trí sẽ phải đổ thêm tài sản thế chấp cho công cụ phái sinh.
Theo BoE, thị trường LDI tại Anh đã phát triển và đạt tổng giá trị đến 1 nghìn tỷ Bảng, tương đương 1,1 nghìn tỷ USD.
Nếu lợi suất trái phiếu tăng chậm thì điều này không ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư LDI của các quỹ hưu trí. Thế nhưng với đà tăng quá mạnh như hiện nay thì tình hình lại trở nên phức tạp.
Người đàn ông đứng trước cửa trụ sở BoE tại Anh
Hãng tin CNN cho biết khi giá trái phiếu giảm đẩy lợi suất tăng nhanh, các quỹ hưu trí buộc phải bơm thêm hàng tỷ Bảng tài sản thế chấp cho công cụ phái sinh.
Trong bối cảnh thiếu tiền, những quỹ hưu trí này buộc phải bán bất cứ thứ gì họ có, bao gồm cả trái phiếu chính phủ. Điều này lại càng khiến giá trái phiếu hạ xuống, đẩy lợi suất lên cao hơn nữa, tạo thành vòng luẩn quẩn.
“Nó bắt đầu trở thành vòng luẩn quẩn. Mọi người đều bán ra mà chẳng có ai chịu mua vào”, chuyên gia đầu tư Ben Gold của hãng tư vấn hưu trí XPS Pensions cảnh báo.
Chống khủng hoảng
Ngay lập tức, BoE đã đặt trong tình trạng chống khủng hoảng. Sau buổi làm việc xuyên đêm ngày 27/9, BoE đã tuyên bố sẽ mua vào đến 65 tỷ Bảng, tương đương 73 tỷ USD trái phiếu nếu cần thiết để ổn định thị trường.
Tuyên bố trên đã tạm thời trì hoãn đà khủng hoảng gây bất ổn cho hệ thống tài chính.
Trong cuộc họp với quốc hội, BoE đã thừa nhận nếu họ không phản ứng nhanh, nhiều quỹ hưu trí sẽ phá sản và tạo nên một cuộc khủng hoảng dây chuyền cho hệ thống tài chính.
Hiện các quỹ hưu trí đang cố gắng chạy đua kiếm đủ tiền trước khi chương trình mua lại trái phiếu của chính phủ kết thúc vào ngày 14/10.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn khá nghi ngại khi lãi suất trên toàn cầu đều đi lên, điều lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử. Tình hình này khiến mọi người cảm thấy sợ hãi khi nắm giữ những tài sản mang tính rủi ro cao.
“Khi thị trường đi lên thì việc đầu tư khá dễ dàng. Thế nhưng mọi thứ sẽ trở nên khó khăn khi thị trường đi xuống và bạn phải điều chỉnh lại sao cho thích nghi với tình hình mới”, giám đốc đầu tư Barry Kenneth của quỹ hưu trí Pension Protection Fund cảnh báo.
Lợi suất trái phiếu Anh kỳ hạn 30 năm
Thiếu tiền
Báo cáo của BoE cho thấy động thái tăng lợi suất mạnh gần đây của trái phiếu là quá bất ngờ. Lợi suất bình quân của trái phiếu Anh kỳ hạn 30 năm trong thời gian qua thậm chí còn cao hơn so với thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch Covid-19.
“Đà tăng lợi suất quá mạnh đang khiến nhà đầu tư sợ hãi rời bỏ thị trường”, giám đốc Barry Kenneth của Pension Protection Fund nhận định.
Hiện Pension Protection đang thiếu hụt 1,6 tỷ Bảng tiền mặt cho tài sản thế chấp. Về lý thuyết họ có thể bán bớt tài sản để bù số tiền này nhưng mọi nhà đầu tư trên thị trường đều hiểu tình hình và chẳng ai chịu mua. Hầu hết các quỹ hưu trí tại Anh hiện nay đều đang bị buộc phải điên cuồng bán ra trái phiếu, cổ phiếu để gom đủ tiền mặt.
Trong khi đó, chuyên gia Gold của XPS nhận định ít nhất một nửa trong số 400 quỹ hưu trí được tư vấn bởi hãng đang đối mặt với thách thức thiếu tiền mặt cho tài sản thế chấp. Ước tính của Gold cho thấy tổng cộng thị trường thiếu khoảng 100-150 tỷ Bảng tiền mặt cho tài sản thế chấp.
“Khi bạn bị buộc có động thái lớn như vậy thì việc hệ thống tài chính đổ vỡ là điều dễ hiểu”, chuyên gia chiến lược Rohan Khanna của UBS nói.
Sợ hãi
Theo CNN, không riêng gì các quỹ hưu trí mà nhiều doanh nghiệp lẫn những cá nhân vay tiền mua nhà thế chấp cũng đang cực kỳ lo lắng bởi nếu hệ thống tài chính khủng hoảng thì sẽ gây ra ảnh hưởng dây chuyền.
Cho đến thời điểm hiện tại, BoE mới mua vào khoảng 3,8 tỷ Bảng trái phiếu, thấp hơn rất nhiều so với khả năng của họ. Thế nhưng tín hiệu này đã giúp lợi suất trái phiếu giảm mạnh, tuy nhiên chúng lại bắt đầu tăng trở lại gần đây trước sự lo lắng của nhà đầu tư.
“Những gì BoE làm chỉ là mua thêm thời gian cho các quỹ hưu trí gom tiền”, giám đốc Kenneth cho biết.
Đồng quan điểm, chiến lược gia trưởng Danieta Russell của HSBC chi nhánh Anh nhận định tình hình còn rất phức tạp, nhất là nếu BoE thực hiện bán ra lượng trái phiếu mà họ đã mua vào trong mùa dịch theo đúng kế hoạch trước đó vào cuối tháng này.
Với mức lạm phát kỷ lục và nền kinh tế gặp nhiều thách thức, BoE đã phải nâng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập niên qua khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư và cá nhân mua bất động sản thế chấp lo lắng. Ngày càng nhiều người Anh bán bớt tài sản để giữ tiền hoặc đổ vào các tài sản trú ẩn, qua đó làm giảm sức thanh khoản của thị trường, qua đó làm khó các quỹ hưu trí vốn đang cần tiền.
*Nguồn: CNN