David Ryder, sống tại Anh, cho biết trong lúc thất nghiệp, anh vô tình biết đến tiền điện tử và rút toàn bộ khoản trợ cấp để tham gia. "Tôi nghĩ mình đang đầu tư cho tương lai, nhưng sự thật là tiền số đang hủy hoại đời tôi. Tôi như một tên ngốc đang phải gánh nợ hàng chục nghìn bảng Anh", người đàn ông 28 tuổi nói với Dazed.
"Thật tàn khốc. Tôi đã đánh cược toàn bộ tiền lương của mình. Từ một người có thu nhập ổn định, tôi thành kẻ trắng tay, nợ nần khi thị trường tiền số lao dốc", người dùng có biệt danh Problem Gambling viết trên Reddit.
Chuyên gia tâm lý Anthony Marini tại trung tâm Castle Craig ở Scotland cho biết không ít người ban đầu chỉ mua một ít token để chơi trò may rủi, nhưng dần sa đà vào các giao dịch. Trong đó, một bệnh nhân của ông là Steve đã thức đêm liên tục để "phân tích thị trường" và tìm đúng điểm rơi. Anh này thậm chí không biết mình mất tổng cộng bao nhiêu tiền, chỉ nhớ có lần tài khoản bốc hơi hàng chục nghìn USD trong 45 phút. Hiện Steve thậm chí không thể ngủ và ăn uống đúng cách.
Tuần trước, cảnh sát Hàn Quốc trục vớt được một chiếc ôtô chìm sâu dưới biển ở đảo Wando, bên trong là một cặp vợ chồng và con gái 10 tuổi. Cả ba đã mất tích từ cuối tháng 5. Cảnh sát địa phương cho rằng biến cố của gia đình này có liên quan đến tiền số. "Trước khi mất tích, những từ khóa cuối cùng họ tìm kiếm trên máy tính cá nhân là 'Luna', 'thuốc ngủ' và cách tự tử", Korea Times dẫn lời cảnh sát.
Giữa tháng 5, giá của token Luna giảm mạnh từ hàng chục USD xuống dưới 0,0001 USD. Trong vòng vài ngày, giá trị tiền số này gần như về không. Những người đầu tư vào Luna không chỉ mất trắng mà còn phải gánh khoản nợ khổng lồ. Theo báo cáo của cảnh sát, khoản nợ tín dụng của gia đình kể trên đã lên đến 100 triệu won (80.000 USD).
Thống kê của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) công bố cuối tháng 6 cho thấy, nước này đang có 3,08 triệu thanh niên ở độ tuổi 20-39 tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử, tương đương 23% dân số trong nhóm tuổi này. Có nghĩa, trung bình cứ 5 người trẻ Hàn Quốc lại có một người đầu tư tiền số. Riêng quý I/2022, đã có 2,5 triệu tài khoản mới được mở trên bốn sàn tiền điện tử lớn, 60% trong đó thuộc về người trẻ.
Đối với nhiều người, cuộc chơi tiền số không còn là một thú tiêu khiển qua ngày mà là sự đánh cược vào tương lai. Hậu quả xảy ra khi toàn bộ thị trường tiền mã hóa lao dốc, "mùa đông crypto" ập đến và những người trẻ từng dồn hết tài sản, niềm hy vọng vào tiền số cũng bị mất trắng. Nhiều người thậm chí mang nợ và tìm đến những cách giải quyết tiêu cực.
Cuối tháng 5, Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cảnh báo khi nhiều người lao theo tiền điện tử với mong muốn kiếm lời nhưng chưa hiểu rõ về nó. "Tôi lo lắng mọi người đang không hiểu về rủi ro của tiền số. Họ là những người có thể sớm thất vọng khủng khiếp vì mất tất cả do đầu tư vào chúng bằng khoản tiền tiết kiệm cả đời. Tiền số không có giá trị, vì nó không dựa trên gì cả, không có tài sản cơ bản nào để đảm bảo như một mỏ neo của sự an toàn.