4 năm vừa qua là quãng thời gian mà Phó Chủ tịch tập đoàn vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Hàn Quốc thường xuyên ở trong nhà giam và xuất hiện tại toà do liên quan các vấn đề pháp lý từ khi kế nhiệm cha là ông Lee Kun-hee, người lãnh đạo tập đoàn hơn 3 thập kỷ trước và mất vào năm 2020.
Các công tố viên cho rằng “thái tử” Samsung đã thao túng cổ phiếu trong một vụ sáp nhập làm bàn đạp đưa ông vào vị trí kế nhiệm đế chế công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc.
Một bước sáp nhập, “thái tử” lên ngôi
Thương vụ sáp nhập diễn ra vào năm 2015, khi Cheil Industries, công ty thời trang và giải trí mà Lee là cổ đông lớn nhất, tiếp quản công ty xây dựng Samsung C&T. Điều đáng chú ý, C&T giữ cổ phần lớn nhất trong Samsung Life Insurance, vốn sở hữu phần lớn cổ phần của Samsung Electronics, “viên ngọc quý” của tập đoàn.
Phía công tố viên lập luận rằng các điều khoản sáp nhập trong thương vụ này đã bị thao túng, khi định giá 1 cổ phần Cheil đổi gần 3 cổ phần C&T. Và chính điều này đã trao cho Lee Jae-yong quyền kiểm soát, trước tiên là C&T và sau đó là cả tập đoàn Samsung. Trước khi vụ sáp nhập diễn ra, Lee không sở hữu bất cứ cổ phần nào tại C&T.
Đến nay, tổng cộng 11 giám đốc điều hành tập đoàn, gồm cả “thái tử” Lee, đang bị điều tra về hành vi thao túng giá cổ phiếu và gian lận kế toán tại các công ty của Samsung từ năm 2015. Trong đó, 8 người đã bị kết tội và 3 người đang thi hành án tù.
Vụ sáp nhập này cũng góp phần vào sự sụp đổ của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người bị phế truất và bỏ tù với tội danh nhận hối lộ vào năm 2017. Theo đó, Lee đã chuyển 8,7 tỷ won (7 triệu USD) cho một người quen của cựu Tổng thống Park để có thể tác động chính trị tới Quỹ hưu trí quốc gia, cổ đông chính của Samsung C&T.
Với các cáo buộc đưa hối lộ, Lee đã ngồi tù trong 19 tháng, trong khi bà Park phải “bóc lịch” hơn 4 năm, trước khi được Tổng thống Moon Jae-in ân xá vào dịp Giáng sinh 2021 vừa qua.
Chiến lược kế vị đã được chuẩn bị từ lâu
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã khuyến nghị Lee bán Samsung Life Insurance cho Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett vào năm 2015 nhằm huy động hàng tỷ USD trả tiền thuế thừa kế, sau khi chủ tịch Kun-hee phải nhập viện vì cơn đau tim trước đó 1 năm. Tuy nhiên, thương vụ này không xảy ra.
Theo 133 trang cáo trạng mà Nikkei Asia được tiếp cận, Samsung đã chuẩn bị cho việc kế vị, khi xây dựng kế hoạch với mật danh “Dự án G”, ngay cả trước khi ông Kun-hee nhập viện. Trong đó, chữ cái “G” được viết tắt cho từ “quản trị” (governance). Kế hoạch được chuẩn bị chi tiết bởi Samsung Securities từ năm 2012 và đề cập tới cả vụ sáp nhập tranh cãi năm 2015.
Sau khi ông Kun-hee nhập viện, ông Jae-yong đã tiếp quản vai trò lãnh đạo của cha mình, nhưng khi đó vây cánh của “thái tử” vẫn còn yếu do sự rút lui đột ngột của chủ tịch. Các công tố viên tin rằng đó chính là lý do Lee và Samsung thúc đẩy thương vụ thâu tóm, bất chấp sự phản đối của các cổ đông, từ đó có thể nhanh chóng kiểm soát cả đế chế mà không tốn kém hay mất thời gian huy động đủ tiền đóng thuế thừa kế theo quy định.
“Phán quyết của Tòa án tối cao ngày 29/8/2019 nêu rõ việc Cheil Industries tiếp quản Samsung C&T là một phần trong kế hoạch đưa Lee lên kế vị”, trích thông cáo báo chí của Văn phòng công tố trung tâm Seoul.
Chaebol và bài toán mục tiêu kinh tế
Vụ việc của “thái tử” Samsung cho thấy dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn đã tích tụ tại Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ. Nhiều người chỉ trích rằng những tập đoàn lớn (chaebol) và các gia tộc điều hành chúng đã nhận được sự đối xử khoan hồng của pháp luật để đổi lấy việc thúc đẩy nền kinh tế nước này tăng trưởng. Cải cách các chaebol luôn là chủ đề truyền thống trong các cuộc tranh cử Tổng thống, nhưng hầu hết cam kết đều có xu hướng “tan biến” sau khi 1 ứng viên nhậm chức và đối mặt với thực tế.
“Chính phủ đã tìm tới sự trợ giúp của chaebol đối với nền kinh tế, sau đó trao cho họ những đặc quyền”, Park Sang-in, giáo sư kinh tế tại Đại học quốc gia Seoul cho biết.
“Thái tử” Lee sau 19 tháng ngồi tù với mức án 30 tháng cho tội hối lộ, đã được tạm tha trước thời hạn. Nhà Xanh, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói rằng chính phủ đưa ra quyết định trên “vì lợi ích quốc gia” và phủ nhận việc đối xử đặc biệt trong trường hợp này.
2 tuần sau khi lãnh đạo cấp cao được tạm tha, Samsung đưa ra kế hoạch đầu tư hơn 240 nghìn tỷ won (195 tỷ USD) vào lĩnh vực sản xuất vi xử lý, sinh học và viễn thông, với cam kết tạo ra hơn 40.000 việc làm mới trong vòng 3 năm tới.
Tháng 12/2021, Tổng thống Moon đã mời Lee cùng các lãnh đạo chaebol khác cùng ăn trưa, ca ngợi sự đóng góp của những tập đoàn này vào một dự án việc làm dành cho thanh niên do chính phủ khởi xướng. Không những vậy, lãnh đạo cao nhất Hàn Quốc còn hết lời khen ngợi: “Samsung đã nuôi dưỡng ‘những người đàn ông Samsung’ với các kỹ năng hàng đầu, đúng theo triết lý ‘tài năng là trên hết’ của người sáng lập”.
Yoon Suk Yeol, thành viên chủ chốt của Hội đồng điều tra cựu Tổng thống Park và “thái tử” Lee, đã trở thành ông chủ mới của Nhà Xanh sau cuộc bầu cử ngày 9/3. Mặc dù tỏ thái độ cứng rắn với cá nhân Lee, nhưng khi đề cập tới các chaebol, đặc biệt là Samsung, tân Tổng thống Hàn Quốc lại cho thấy lập trường mềm mỏng hơn. Điều này là dễ hiểu khi các cử tri muốn việc làm và tăng lương trong bối cảnh nền kinh tế chật vật tìm cách hồi phục sau đại dịch và lạm phát gia tăng với sự bất ổn của tình hình thế giới.
Tương lai của “thái tử” gia tộc họ Lee và đế chế Samsung sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm cải cách chaebol của tân Tổng thống Hàn Quốc. Vẫn có khả năng Lee Jae-yong sẽ lại vào tù 1 lần nữa, nhưng giới quan sát nhận định, những ngày tại vị trên đỉnh cao của nhân vật này chưa thể sớm kết thúc.