Xã hội

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ quá tải, người bệnh chịu đựng đến bao giờ?

Ghép giường cho bệnh nhân ung bướu

Gương mặt mệt mỏi sau nhiều đêm mất ngủ, ông Lê Văn Hiếu (65 tuổi, ngụ H.Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết, sau khi mổ ung thư trực tràng hồi tháng 7.2024, đến nay, ông đã trải qua 6 lần vào hóa chất, 14 lần xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (P.Tân An, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).

 - Ảnh 1.

Khu vực làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ luôn đông nghẹt người vào buổi sáng

ẢNH: THANH DUY

Vì bệnh viện quá tải, máy điều trị nhiều lúc bị trục trặc, 1 tháng nay nằm viện ông Hiếu mới xạ trị được 14 lần. Theo lộ trình, ông còn thực hiện 2 lần vào hóa chất, 11 lần xạ trị nữa. Nói tới đây, ông Hiếu thở dài vì ngán cảnh nhập viện trong phòng bệnh chật chội, đông đúc, rất khó ngủ.

Theo ông Hiếu, tùy lúc, 1 giường là 1 bệnh nhân, có khi 1 giường chia 2 người nằm, 2 giường ghép lại cho 3 - 4 bệnh nhân cùng nằm. "Những ngày nắng, nơi đây càng thêm ngột ngạt. Cảm giác châm chích, bứt rứt khiến tôi phải trở người liên tục. Khi nằm ghép giường thì ráng chịu đựng, vì nhúc nhích sẽ ảnh hưởng người khác. Có người không chịu nổi, lấy ghế bố nằm, hoặc ngồi băng ghế nghỉ ngơi", ông Hiếu chia sẻ.

 - Ảnh 2.

Bệnh nhân ung bướu chia sẻ giường nằm vì bệnh viện quá tải

ẢNH: THANH DUY

Căn bệnh của ông Hiếu vào giai đoạn nặng, nhiều lúc lên cơn đau dữ dội, nhức mỏi, nôn mửa, hành hạ ông sáng đêm. Ông nói: "Bệnh nhân ung thư đa phần là người lớn tuổi, bình thường đã khó ngủ, bệnh tật đau nhức càng khó ngủ hơn. Nói thật là nằm ghép người, khó dũi tay, dũi chân thoải mái nên cứ trằn trọc. Có hôm, 3 - 4 giờ sáng là tất cả người bệnh trong phòng thức hết rồi".

Cơ sở điều trị xuống cấp, cũ kỹ

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Diễm (43 tuổi, H.Châu Thành, Hậu Giang) bị ung thư tử cung, nằm viện điều trị hơn 2 tháng nay. Bà Diễm cho biết: "Máy xạ trị, chụp CT Scanner, chụp MRI, mô phỏng hay bị hư. Về nhà thì không được, lỡ bác sĩ gọi bất tử không có mình thì làm sao. Đợi tới đợi lui, bệnh ít cũng thành bệnh nhiều. Khi cần thiết, chẳng hạn như chụp CT Scanner, tôi phải đi ra bệnh viện khác chụp, tốn tiền. Bệnh này thì ráng điều trị ở đây, vì càng đi xa thì càng tốn kém".

Điều trị dài hạn, bà Diễm cũng gặp tình cảnh nhiều lúc phải nằm giường ghép khi bệnh viện quá tải. Theo bà, ngoài máy móc điều trị, cơ sở vật chất của bệnh viện cũng xuống cấp nghiêm trọng. Có những tấm nệm giường bệnh đã rách, quạt gió hay hư khiến ngày nắng nóng như một cực hình. Phòng nhỏ nhưng đông bệnh nhân.

 - Ảnh 3.

Bệnh viện không còn chỗ, người nhà phải nằm nghỉ tạm dưới giường bệnh nhân

ẢNH: THANH DUY

"Có khi 2 giường ghép lại để nằm 4 người. Nằm sát nhau không chịu nổi cái nóng nực nên có người ngồi. Dù vậy, tôi cũng thông cảm với bệnh viện, do cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp thôi, chứ bác sĩ, y tá ở đây làm việc rất trách nhiệm, tận tình, nhanh chóng giúp đỡ bệnh nhân", bà Diễm bộc bạch.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thiện, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bác sĩ khoa nội, chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, cho biết sau dịch Covid-19 đến nay, số lượng bệnh nhân tăng khoảng 20%/năm; riêng quý 1/2025 tăng tới 25% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sau tháng 4 vừa qua, số lượng khám bệnh lên tới 1.000 lượt/ngày, điều trị nội trú bình quân khoảng 500-550 bệnh nhân/ngày.

Theo bác sĩ Thiện, điều kiện điều trị của bệnh viện hiện nay chỉ đủ đáp ứng cho khoảng 7 năm về trước. Mỗi năm, lượt bệnh nhân tăng thêm 20% nhưng bệnh viện hiện chỉ có 1 máy xạ trị, 1 máy CT Scanner. Nhiều lúc, máy móc hoạt động hết công suất dẫn đến hư hỏng. Bệnh viện cũng có chủ trương xin mua thêm thiết bị và đã được thông qua.

"Thế nhưng, khó khăn lớn nhất của bệnh viện là diện tích. Nếu diện tích rộng rãi hơn thì có thể xin mua, bố trí được nhiều máy xạ trị hơn. Nhưng điều kiện bây giờ thì lắp đặt được có 1 máy. Cơ bản là chỉ phục vụ được một phần nhu cầu, bệnh nhân vẫn phải chờ trong khám, chữa bệnh", bác sĩ Thiện nói.

Mong chờ bệnh viện mới xây xong sớm

Không gian hạn chế, bệnh viện buộc phải cho bệnh nhân nằm giường đôi. Giải pháp trước mắt là "ưu tiên": bệnh nhân nặng, hậu phẫu sẽ được "chia sẻ" mỗi người 1 giường; bệnh nhân còn khỏe, chờ mổ sẽ "chịu khó" nằm giường đôi. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng lập thủ tục ở ngoại trú cho khoảng 100 - 150 bệnh nhân mỗi ngày.

 - Ảnh 4.

Ngày nắng nóng với bệnh nhân ung bướu như một cực hình bởi những cơn đau nhức hoành hành

ẢNH: THANH DUY

Trước đây, một đợt điều trị ung thư thường kéo dài khoảng 10 ngày. Thời điểm này, để giảm tình trạng quá tải, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã rút ngắn thời gian điều trị nội trú bình quân xuống còn khoảng 7 ngày. Lý do là giúp bệnh viện có thêm không gian trống, để bệnh nhân nào thật sự cần nằm viện thì có chỗ ngay.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã tăng thời gian làm việc để phục vụ được nhiều bệnh nhân hơn. Nhân viên y tế làm việc từ 6 giờ đến 20 giờ. Những phòng phẫu thuật làm luôn buổi trưa, xạ trị làm 24/24. Lực lượng nội khoa và CT Scanner làm việc luôn ngày thứ bảy. "Dù vậy, vẫn còn một lượng bệnh nhân đáp ứng không nổi, bệnh viện phải chuyển đi TP.HCM, thậm chí chuyển về các tỉnh Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang để xạ trị tiếp", bác sĩ Thiện chia sẻ.

Theo bác sĩ Thiện, đa số bệnh nhân nghe chẩn đoán mắc bệnh ung thư đều có tâm lý lo sợ. Đây là căn bệnh có những lúc hoành hành rất đau đớn về thể xác nên cần phải chăm sóc giảm nhẹ. "Nếu có được cơ sở vật chất tốt để điều trị, dưỡng bệnh sẽ giúp người bệnh thoải mái hơn, tinh thần tốt hơn. Vì vậy, chúng tôi rất chờ đợi, rất mong bệnh viện ung bướu mới được xây xong càng sớm càng tốt để có thể phục vụ tốt hơn cho người dân", bác sĩ Thiện bộc bạch.

Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (mới) hơn 1.700 tỉ đồng bỏ hoang

Năm 2017, dự án (DA) Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (mới, ở P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) được khởi công xây dựng. DA có vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, quy mô 500 giường, được kỳ vọng trở thành nơi khám chữa bệnh hiện đại, chuyên sâu về ung bướu cho người dân vùng ĐBSCL.

 - Ảnh 5.

Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ dang dở, khởi công gần 8 năm chưa hoàn thành

ẢNH: THANH DUY

Tuy nhiên, năm 2022, khi các hạng mục xây dựng đạt hơn 80% thì DA tạm dừng triển khai. Từ đó đến nay, công trình dang dở, bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm. Nguyên nhân chính khiến DA đình trệ là hiệp định vay vốn ODA Hungary hết hiệu lực từ năm 2022. Bên cạnh đó, chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm thực hiện DA vốn ODA, dẫn đến các thủ tục bị chậm trễ, kéo dài.

Trong nhiều lần làm việc với lãnh đạo TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã rất quan tâm, đôn đốc, gợi mở giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phía chính quyền TP.Cần Thơ cũng đã nỗ lực tìm cách, từng bước đưa công trình tái khởi động trở lại, nhưng đến nay DA Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ mới vẫn... nằm im.

Các tin khác

Thấy gì từ lãi suất vay mua nhà thấp chưa từng có?

Liên tiếp các ngân hàng đưa ra các gói vay lãi suất thấp cho người mua nhà. Hiện, mức lãi vay thấp nhất lịch sử, có ngân hàng chỉ từ 3,6%/năm. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính đưa ra cảnh báo người vay cần thận trọng với lãi suất thả nổi, tránh rơi vào "bẫy" lãi suất.

VN-Index vượt 1.300 điểm

3 phiên tăng liên tiếp giúp VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm sau khi đánh mất trong nhịp điều chỉnh mạnh vì biến động thuế quan cách đây một tháng.

Cận cảnh xá lợi Phật tại chùa Quán Sứ

Trong ngày đầu tiên xá lợi Phật được tôn trí tại tầng 1 hội trường chùa Quán Sứ, hàng nghìn tín đồ Phật tử, người dân đã đổ về đây kiên nhẫn xếp hàng để chờ vào chiêm bái.

Kiêng tắm đêm có giúp phòng ung thư phổi?

Tôi thường tắm đêm do đi làm về muộn. Thói quen này có ảnh hưởng đến sức khỏe không, kiêng tắm đêm có ngừa được ung thư phổi? (Anh Dũng, 48 tuổi)

Thủ tướng: Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường vàng

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, đầu cơ trục lợi, kinh doanh trái phép, thao túng thị trường.