Tại hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2025 diễn ra ngày 17.4, khoa Nội thần kinh bệnh viện này đã trình bày các nghiên cứu đáng chú ý về xuất huyết não, nhồi máu não (hay còn gọi là đột quỵ não) ở người trẻ, từ 15 - 50 tuổi.
Đột quỵ não ở người trẻ cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay.

Nhiều người trẻ bị xuất huyết não, nhồi máu não
ẢNH: DUY TÍNH
Nguyên nhân xuất huyết não ở người trẻ
Nhận định xuất huyết não ở người trẻ (từ 15 - 50 tuổi) là một vấn đề y khoa nghiêm trọng với nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá các yếu tố nguyên nhân, đặc điểm lâm sàng và yếu tố nguy cơ liên quan đến xuất huyết não ở nhóm tuổi này.
Theo đó, từ tháng 1 - 12.2024, khoa Nội thần nghiên cứu hồi cứu 719 bệnh nhân trẻ (15 - 50 tuổi) bị xuất huyết não.
Kết quả quả cho thấy, nguyên nhân phổ biến nhất là tăng huyết áp (69,5%). Tiếp theo là nguyên nhân không rõ ràng (15,7%), tổn thương cấu trúc (7,1%), bệnh toàn thân (4,3%) và liên quan thuốc (1,3%).
Nghiên cứu ghi nhận đa số bệnh nhân có triệu chứng yếu liệt chi (55,2%), đau đầu lan tỏa (39,6%), khó nói (27,7%), chóng mặt (7,6%) và nôn ói (10,3%).
Trước khi bị xuất huyết não, số bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp (57,7%), đái tháo đường (5,8%), suy thận mạn (4%) và tiền sử đột quỵ (4,6%).
Ngoài ra, có một số bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, nghiện chất kích thích và béo phì (1,5%).
Trong số những bệnh nhân sử dụng thuốc trước nhập viện, phổ biến nhất là thuốc hạ huyết áp (27,3%), tiếp theo là các thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông và thuốc hạ lipid máu.

Tăng huyết áp không được kiểm soát tốt là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết não ở người trẻ
ẢNH: DUY TÍNH
Về nhóm tuổi mắc bệnh, nhóm bệnh nhân từ 40 - 50 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (65,9%), tiếp theo là nhóm 30 - 39 tuổi (26%) và nhóm 18 - 29 tuổi (6,8%). Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn đáng kể so với nữ giới (70% so với 30%).
"Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu của xuất huyết não ở người trẻ. Do đó, cần thấy rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp để phòng ngừa bệnh. Các yếu tố nguy cơ khác như tiền sử đái tháo đường, suy thận mạn, hút thuốc lá và béo phì cũng có liên quan đến nguy cơ xuất huyết não. Kết quả nghiên cứu này cung cấp dữ liệu quan trọng giúp định hướng các chiến lược phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn trong tương lai", nghiên cứu kết luận và khuyến nghị.
Ngoài ra, từ tháng 1.2023 - 1.2025, khoa Nội thần kinh cũng phân tích dữ liệu hồi cứu trên 3.105 bệnh nhân xuất huyết não để ghi nhận biến chứng thần kinh.
Kết quả cho thấy, biến chứng thần kinh gặp ở 87,6% bệnh nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả lâm sàng.
"Trong đó, chèn ép não, tăng áp lực nội sọ, thoát vị não và não úng thủy là các yếu tố nguy cơ quan trọng làm giảm khả năng hồi phục...", nhóm nghiên cứu nhận định.
Nguyên nhân nhồi máu não ở người trẻ
Trong 2 năm, từ tháng 1.2023 - 1.2025, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành nghiên cứu nguyên nhân nhồi máu não ở người trẻ (từ 16 - 50 tuổi) với 648 bệnh nhân. Trong đó độ tuổi trung bình của bệnh nhân là hơn 42,4 và 384 nam, 264 nữ.
Kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị nhồi máu não gia tăng theo tuổi, tập trung cao ở nhóm tuổi 41 - 50.
Trong nghiên cứu ghi nhận các bệnh nhân bị nhồi máu não có các bệnh lý đi kèm phổ biến, như tăng huyết áp (hơn 61%), đái tháo đường (18,7%), và rối loạn lipid máu (12,5%)...

Kiểm soát các bệnh không lây như tăng huyết áp, đái tháo thường... trong cộng đồng để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ và các bệnh lý nghiêm trọng khác
ẢNH: DUY TÍNH
Theo phân loại, nhóm nhồi máu não do tắc động mạch nhỏ có tỷ lệ hồi phục tốt nhất. Ngược lại, nhóm bị bệnh nhân thuyên tắc từ tim và xơ vữa động mạch lớn có tỷ lệ phục hồi thấp nhất. Nhóm nguyên nhân xác định khác cũng có tiên lượng không thuận lợi.
"Nhồi máu não ở người trẻ có nguyên nhân đa dạng, trong đó, các trường hợp chưa xác định được căn nguyên chiếm tỷ lệ cao. Các nhóm nguyên nhân khác nhau có tiên lượng khác biệt đáng kể, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân loại chính xác để hướng dẫn điều trị và dự phòng hiệu quả", nhóm nghiên cứu kết luận.
Đột quỵ nhiệt do gắng sức
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong vài năm gần đây, khoa Cấp cứu tiếp nhận một số bệnh nhân đột quỵ nhiệt do gắng sức.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn nhịp, ngất, co giật, sốt.
Điểm chung của các bệnh nhân là trong độ tuổi lao động, không có tiền sử bệnh lý nội khoa, bệnh sử xuất hiện đột ngột. Nhập viện sau các vận động thể lực gắng sức như tham gia "team building", chạy việt giã, diễn tập quân sự hay tập squat (bài tập gồm các động tác đứng lên, ngồi xuống, sử dụng nhiều nhóm cơ khác nhau), đặc biệt trong thời điểm thời tiết nắng nóng.
Theo bác sĩ, chẩn đoán đột quỵ nhiệt do gắng sức là chẩn đoán lâm sàng gồm tam chứng: tăng thân nhiệt, rối loạn tri giác và xuất hiện sau vận động thể lực gắng sức. Vận động này có thể diễn ra trong môi trường có nhiệt độ cao. Rối loạn tri giác là biểu hiện quan trọng, có thể xuất hiện sớm dù nhiệt độ lõi cơ thể chưa tăng đến 40 độ C.
Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám để đánh giá nhiệt độ cơ thể lõi chính xác ở các trường hợp vận động gắng sức, không thể dựa vào đo nhiệt độ ở miệng hay ở nách mà nên đo nhiệt độ trực tràng.
Trong đó, chiến lược cấp cứu được ưu tiên do Hiệp hội vận động viên quốc tế (The National Athletic Trainers Association) khuyến cáo. Đó là hạ nhiệt chủ động, nên thực hiện có kiểm soát và ngay tại hiện trường hay tại bất kỳ cơ sở y tế với dung dịch tinh thể lạnh 4 độ C được dự trù và các phương tiện làm lạnh bề mặt đơn giản khác như gel đá, khăn lạnh. Điều này giúp làm giảm tỷ lệ tử vong và suy tạng ở các ca đột quỵ nhiệt do gắng sức.
"Đột quỵ nhiệt do gắng sức là một cấp cứu khẩn cấp cần được chẩn đoán sớm. Hạ nhiệt chủ động và có kiểm soát nên được thực hiện ngay khi chẩn đoán. Tại khoa cấp cứu hay đội cấp cứu hiện trường ở các sự kiện thể thao nên chuẩn bị một lượng dịch tinh thể lạnh hay các phương pháp làm mát bề mặt, đặc biệt vào các mùa nắng nóng trong năm", lãnh đạo khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo.