Nền tảng mạng xã hội TikTok đang xuất hiện trào lưu "tháng không tiêu dùng".
Người dùng được khuyến khích cắt giảm tất cả các khoản mua sắm không cần thiết trong một khoảng thời gian nhất định, từ một tuần, một tháng, thậm chí là một năm. Về bản chất, trào lưu được ví như một phương pháp "cai nghiện" chi tiêu, giúp mọi người hình thành thói quen quản lý tài chính hiệu quả. Thay vì mua sắm quần áo mới hay ăn uống bên ngoài, số tiền đó sẽ được dành cho một mục tiêu tài chính dài hạn.
Giáo sư Gregory Stoller (Đại học Kinh doanh Questrom, Đại học Boston) nhận định: "Tại sao phải mua những thứ không cần thiết chứ?".
Người tham gia xu hướng này thường theo dõi sát sao tiến độ chi tiêu hàng ngày và cố gắng duy trì khoảng thời gian không chi tiêu càng lâu càng tốt. Ted Rossman, chuyên gia phân tích ngành cấp cao tại Bankrate, chia sẻ với CNBC: "Việc áp dụng yếu tố trò chơi có thể khiến thử thách trở nên thú vị".
Tuy nhiên, trào lưu này được cho là khó có thể duy trì theo thời gian. Ông Stoller cho rằng: "Vấn đề nan giải của thử thách không mua sắm nằm ở việc mọi người sẵn sàng thực hiện cam kết của họ đến mức nào".
Giống như việc nhiều người thường không thể thực hiện những mục tiêu ngắn hạn, việc phá vỡ lời hứa không mua sắm chỉ bằng một cú nhấp chuột rất dễ. "Và trong hầu hết các trường hợp, bạn thậm chí không cần phải mở laptop nếu điện thoại đang ở trong túi quần", ông Stoller nói thêm.
Hơn nữa, việc nhịn chi tiêu quá lâu có nguy cơ dẫn đến hành vi mua sắm bốc đồng, được gọi là "chi tiêu trả thù" hoặc "chi tiêu bất chấp". Chính vì vậy, thay vì chạy theo những trào lưu cực đoan nhất thời, các chuyên gia tài chính khuyên mọi người nên tập trung xây dựng thói quen quản lý tài chính lành mạnh.
Paul Hoffman, chuyên gia phân tích dữ liệu tại BestBrokers, người đã viết một báo cáo gần đây về các xu hướng gây hại trên TikTok, cho biết: "Không có mẹo nào có thể dạy bạn cách tự chủ, chi tiêu có ý thức hoặc giữ số dư tài khoản thấp".
Ông Michael Hershfield, người sáng lập kiêm CEO của Accrue Savings, đưa ra lời khuyên: "Hãy tạo ngân sách phù hợp với mục tiêu tài chính, thu nhập và chi phí chung của bạn, sau đó theo dõi chi tiêu và kế hoạch ngân sách để có thể điều chỉnh khi cần thiết. Bằng cách chi tiêu điều độ thay vì cắt giảm hoàn toàn, bạn sẽ tạo dựng cho mình một nền tảng tài chính lành mạnh lâu dài".
Ông cũng nhấn mạnh rằng người tiêu dùng nên tập trung vào "việc chi tiêu có chủ đích bằng cách mua những thứ thực sự cần thiết, phù hợp với tình hình tài chính và mục tiêu cá nhân", thay vì làm theo bất kỳ lời khuyên mua sắm nào trên mạng xã hội.