Cùng với sự phát triển mạnh của những dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, vấn đề thu thuế với những nhà cung cấp nước ngoài đã liên tục được nhắc đến trong những năm gần đây.
Sự ra đời của Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài hồi cuối tháng 3/2022 đã giúp ngành thuế Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực từ hoạt động đóng thuế của những doanh nghiệp xuyên biên giới.
Thông tin với báo chí trong nước mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, sau hơn 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đến nay đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng.
Chỉ tính riêng Meta và Tiktok đã nộp gần 500 tỷ đồng tiền thuế tại Việt Nam trong 6 tháng gần nhất
Trong đó có 06 nhà cung cấp nước ngoài lớn gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR tương đương gần 500 tỷ đồng. Riêng Meta đã nộp 16,8 triệu Euro (hơn 389 tỷ đồng), Tiktok đã nộp 81,7 tỷ đồng,… Tổng số tiền các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp tại Việt Nam từ đầu năm đến nay là xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua các nhà cung cấp nước ngoài lớn như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple đã chủ động phối hợp với cơ quan thuế để tìm hiểu các chính sách thuế, có các đề xuất, góp ý cho cơ quan thuế để hoàn thiện chính sách, công cụ quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế.
Về thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022, ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu thuế, phí nội địa đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ), riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, vẫn còn 02 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 59%).
Đã có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.