Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Hương, trú tại Đống Đa (Hà Nội) sau khi vừa chuyển khoản xong 10 nghìn đồng tiền mua vài cây hành, mớ rau răm và rau ngổ để về nấu canh riêu cá.
Chị Hương cho biết, trước đây, đi ra khỏi nhà chị phải mang túi xách kèm ví, điện thoại. Trong ví có đủ các giấy tờ và không thể thiếu tiền mặt. Bây giờ thì chỉ cần điện thoại có kết nối internet và trong tài khoản ngân hàng có tiền là xong, nhiều khi không cần túi xách, tiền mặt không có cũng được, nhanh và gọn.
Hàng rau có treo tờ giấy gắn mã QR code để khách hàng chuyển khoản.
“Nhiều khi đi chợ không có tiền mặt, tôi phải hỏi trước chủ sạp hàng là có nhận chuyển khoản hay không rồi mới mua tiếp. Trước kia, nhiều bác bán hàng lớn tuổi không thích người mua chuyển khoản đâu, giờ thì nếu chỉ nhận tiền mặt thì chỉ có ế dài”, chị Hương nói.
Theo chị Hương, trước đây đi chợ, chị rất ngại lấy tiền thừa trả lại của hàng bán cua hay cá do người bán vừa mổ cá, làm cua, tay vẫn còn ướt hoặc tanh lại lấy tiền trả khách. Có khi cầm mớ tiền lẻ vừa được trả lại, vừa ướt vừa tanh. Vì vậy, mua bán thanh toán qua chuyển khoản vừa nhanh, tiện lại đỡ mất vệ sinh.
Làm nghề tài xế xe ôm công nghệ nhưng cũng rất lâu rồi anh Bùi Mạnh Tiến, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) không cầm theo nhiều tiền mặt trong ví, mặc dù có những đơn hàng phải ứng cả triệu đồng.
Anh Tiến cho biết, trước đây, khi ra khỏi nhà ít nhất trong ví của anh cũng phải có từ 1-2 triệu đồng tiền mặt để phòng khi giao hàng cần ứng trước.
Đặc biệt, anh cũng phải chuẩn bị sẵn vài chục nghìn tiền lẻ, mệnh giá 1 nghìn đến 10 nghìn đồng để trả lại cho khách. Tuy nhiên, bây giờ, chỉ cần trong tài khoản ngân hàng có tiền và chiếc điện thoại là được.
“Khách nhờ ship đồ hay nhận hàng cũng thích chuyển khoản, nhiều khi đơn chỉ có 17-18 nghìn đồng họ cũng chuyển khoản cho nhanh. Ai hào phóng thì “bo” thêm cho 2-3 nghìn đồng cho tròn tiền. Vừa tiện vừa nhanh, đỡ phải tính toán rồi đếm tiền trả lại”, anh Tiến nói.
Để thuận tiện trong việc mua bán, từ chị bán thịt đến cô bán cá đều ưu tiên chuyển khoản thanh toán.
Thậm chí, theo anh Tiến, có đợt anh ngồi uống trà đá chờ “nổ đơn hàng mới”, lúc thanh toán mới nhớ mình không có tiền mặt. Bà chủ hàng trà đá tỏ vẻ bực mình vì không nhận chuyển khoản, anh phải nhờ đồng nghiệp trả giúp. Bây giờ thì quán trà đá đó cũng dán luôn một tờ giấy có mã QR trên bàn, chủ quán còn thích chuyển khoản hơn tiền mặt.
Dạo quanh các chợ cóc, chợ truyền thống hay các cửa hàng kinh doanh, không khó để bắt gặp những tờ giấy có hình ảnh chứa mã QR được dán ở cửa ra vào, trên tường hay để trên bàn cho khách thanh toán thay cho tiền mặt.
Chị Thuý, người bán thịt lợn ở chợ Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 lan rộng, để hạn chế tiếp xúc, cả khách mua hàng và người bán đã áp dụng cách thanh toán điện tử. Kể từ đó đến nay, việc thanh toán chuyển khoản hay quét mã QR ngày càng trở nên quen thuộc, giúp khách dễ dàng trả tiền khi mua hàng.
“Trước tôi ngại khách chuyển khoản lắm vì mình không rành về công nghệ, chỉ dùng tiền mặt, chuyển đi chuyển lại sợ nhầm. Tuy nhiên, dần dần thấy 10 người mua thì 9 người đòi chuyển khoản nên tôi mới tạo mã QR Code cho khách quét mã, không thì họ đi hàng khác mua, mình mất khách. Mới đầu chưa quen còn ngại, giờ thì quen với việc khách mua hàng quét mã rồi lại thấy quá tiện, thích khách chuyển khoản hơn”, chị Thuý nói.
Hình ảnh quen thuộc tại các cửa hàng buôn bán lớn nhỏ với tấm thẻ chứa mã QR được để ở nơi dễ nhìn thấy.
Mã QR đã và đang ngày càng phổ biến khắp mọi nơi, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng mã QR tăng lên nhanh chóng. Nhưng cùng với xu hướng phổ biến của phương thức thanh toán sử dụng mã QR, tình trạng lừa đảo bằng mã QR cũng được ghi nhận tăng mạnh trên thế giới, thậm chí đã xuất hiện ở Việt Nam thời gian qua.
Cụ thể, bên cạnh tình trạng mã QR thanh toán tại các cửa hàng bị dán đè khiến tiền chuyển về tài khoản kẻ gian, thời gian vừa qua còn xuất hiện hiện tượng mã QR độc hại bị phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh thông qua các ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội.
Khi người xem quét mã QR này sẽ bị chuyển hướng đến các trang quảng cáo cờ bạc kèm mã độc có thể bị cài đặt vào điện thoại.
Để phòng tránh lừa đảo bằng mã QR, người dùng cần thận trọng trước khi quét mã QR, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email.
Người dùng cũng cần xác định và kiểm tra kỹ càng thông tin tài khoản người trao đổi mã QR; xem xét kỹ nội dung trang web mà mã QR đưa tới; kiểm tra đường link xem có bắt đầu với "https" và có phải tên miền quen thuộc hay không.
Cùng với đó, người dùng tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản đăng nhập ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng trình quản lý mật khẩu, xác thực hai yếu tố và các phương thức bảo vệ khác cho tài khoản...